Vắc xin Covid -19 “made in Việt Nam” lần đầu thử trên người

Khi dịch COVID-19 vừa xuất hiện (gần 1 năm trước), các nhà sản xuất vắcxin VN bày tỏ hi vọng tham gia cuộc đua, những người quan tâm đến cơ hội phòng bệnh bằng vắcxin vừa mừng vừa lo, bởi thông thường để phát triển được 1 vắcxin cần 5-10 năm.

Và đã có những vắcxin khi phát triển thành công, tốn kém nhiều công sức, chi phí, đưa được ra thị trường thì... dịch đã không còn.

Hai giai đoạn thử nghiệm trên người

Trong số trên 200 nhà phát triển vắcxin COVID-19 trên toàn thế giới cho đến nay, có 38 vắcxin đã đến khâu thử nghiệm trên người, khoảng 1/4 trong số này đang thử nghiệm trên nhóm lớn người tình nguyện. Tháng 11 (chậm nhất là đầu tháng 12 tới) có thể có một cái tên Việt Nam trong danh sách này: vắcxin do Công ty Nanogen (Việt Nam) phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein, bắt đầu được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1.

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), các chuyên gia về thẩm định, thử nghiệm vắcxin, nhà sản xuất thì Học viện Quân y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên người tình nguyện. Theo ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, hiện Bộ Y tế đang xem xét hồ sơ, sau khi thẩm định cho thấy hồ sơ đủ yêu cầu sẽ phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức thông báo tuyển chọn người tình nguyện tiêm ngừa.

Qua những số liệu cho đến hôm nay, theo ông Quang, khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12 tới sẽ tiến hành tiêm trên người.

Kế hoạch của nhà sản xuất là tiêm thử nghiệm trên 60 người tình nguyện, nhưng Bộ Y tế cho biết giai đoạn ban đầu sẽ tiêm cho 20 người, sau đó đến giai đoạn 2 sẽ tiêm cho 400 người (thời gian bắt đầu giai đoạn 2 là 2-3 tháng kể từ khi người tình nguyện đầu tiên được tiêm mũi vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên, cụ thể là đầu tháng 3-2021).

"Chúng tôi sẽ cho tiêm thử nghiệm trên 1-2 người đầu tiên trong nhóm tình nguyện, chờ phản ứng và xác định tính an toàn trong 72 giờ đầu, sau đó mới tiêm tiếp cho 18-19 người của giai đoạn 1" - ông Quang cho biết.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua có 4 đơn vị tham gia phát triển vắcxin COVID-19, ngoài vắcxin sắp được thử nghiệm trên người này, còn có một sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ tiền lâm sàng để có thể thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm tới. Ông Quang cho biết mục tiêu là quý 4-2021 sẽ có vắcxin Việt Nam đã hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm, chuẩn bị cho khâu xuất hiện chính thức phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

1 tỉ USD cho vắcxin mỗi năm, hay...

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia liên minh được quyền ưu tiên tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19, ngay sau khi vắcxin của các nhà sản xuất cán đích đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Liên minh này cũng được mua vắcxin với giá ưu đãi, nhưng ưu đãi vẫn là 5 USD/mũi tiêm. Giả sử nếu tiêm 2 mũi, mỗi người tiêm cần 10 USD. Với dân số như Việt Nam, chi phí tiêm ngừa vắcxin cho toàn dân sẽ là 1 tỉ USD/năm.

Ban đầu, nguồn vắcxin ít ỏi, có thể tính đến tiêm trước cho nhóm nguy cơ cao, như người già, người có bệnh mãn tính, nhân viên y tế... Nhưng trong tình hình hiện nay là dịch xuất hiện trên 213 quốc gia/vùng lãnh thổ khắp thế giới, Việt Nam đang ngừng bay thương mại quốc tế, thực hiện nhiều biện pháp phòng vệ, ngừng du lịch quốc tế, nhiều nước Âu, Mỹ đang thực hiện giãn cách xã hội trở lại..., nếu muốn sinh sống, đi lại, làm việc, du lịch như bình thường thì chỉ khi có vắcxin phòng bệnh mới thực hiện được.

Tuy nhiên, chi phí như kể trên là mức rất cao, rất khó khăn với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu có nguồn vắcxin an toàn và có tác dụng phòng bệnh tốt, sản xuất trong nước với giá bán rẻ hơn, chủ động nguồn vắcxin cho gần 100 triệu người dân, thì cơ hội tiếp cận được vắcxin của người dân sẽ cao hơn.

Những bước đi sắp tới cho thấy các nhà sản xuất vắcxin Việt Nam đang chạy khá nhanh, và tràn trề hi vọng.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết virus gây COVID-19 đã biến đổi theo thời gian, nhưng vẫn dựa trên 5 chủng gốc ban đầu. Các chủng có biến đổi chưa thay đổi về độc lực nhưng có tăng về nguy cơ lây truyền. Vắcxin ngừa COVID-19 có thể thay đổi kịp theo đà thay đổi của virus? Đó còn phải chờ các nhà sản xuất. Nhưng lần đầu tiên Việt Nam đua song song với thế giới về sản xuất vắcxin, và cơ hội chưa bao giờ rõ ràng đến thế. (Tuổi trẻ, trang 1; Nhân dân, trang 5; Thanh niên, trang 1; Hà Nội mới, trang 7).

Nguồn báo Tuổi trẻ

 


Các bài viết liên quan