PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Hà Nội luôn chủ động, linh hoạt trong phòng, chống dịch

Kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội đã trải qua 180 ngày kiên cường, chủ động giữ an toàn cho địa bàn và đang tích cực thiết lập trạng thái bình thường mới. Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, Hà Nội luôn chủ động, linh hoạt trong suốt đợt phòng, chống dịch vừa qua, nay càng phải chủ động, linh hoạt hơn nữa.  

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả phòng, chống dịch của Hà Nội trong đợt dịch thứ tư?

Hà Nội luôn là địa bàn có nguy cơ dịch bệnh rất cao vì đặc điểm là đầu mối giao thông quốc gia, trung tâm giao lưu với dân số đông, lượng người nhập cư lớn nên ở đâu có dịch thì thường Hà Nội cũng có dịch. Như trước đây, khi dịch xảy ra ở các  tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh và gần đây là các tỉnh phía Nam, Hà Nội đều có các ca bệnh đi từ đó về. Đó là do đặc điểm riêng của địa bàn có sự giao lưu rộng. Đến thời điểm này, phải khẳng định rằng dịch không bùng phát ở Hà Nội, kinh tế vẫn tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, tôi cho đó là thành công lớn. Thành công này có được là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Y tế, các ngành của thành phố, sự ủng hộ của Trung ương, đặc biệt sự ủng hộ, trách nhiệm đồng lòng của người dân.

Có được kết quả đó là do Hà Nội đã đánh giá đúng tình hình, phản ứng rất sớm, áp dụng biện pháp phù hợp, kịp thời nên luôn trong tư thế chủ động kiểm soát dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 là vấn đề y tế, nhưng các giải pháp là một sự tổng thể. Nếu chủ quan, lơ là không đáp ứng đúng, phù hợp, kịp thời thì dịch bùng phát lên gây tổn thất nặng nề tới sức khỏe tính mạng người dân, nhưng vì không dự báo đúng, lo sợ quá mà đáp ứng thái quá cũng gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như an sinh xã hội. Theo tôi, chỉ đáp ứng chậm 1 nhịp là diễn biến tổn hại đi rất xa, nhiều khi cần có sự quyết đoán 50/50 vì vấn đề nào cũng có rủi ro nhất định, đặt ra vấn đề cho người lãnh đạo phải lựa chọn. Lựa chọn đúng thì thành công, lựa chọn sai phải trả giá.

Còn nhớ đầu đợt dịch thứ tư, vào thời điểm 30-4 và 1-5 khi mà dịch trên cả nước tạm thời lắng xuống nhưng Hà Nội đã nhận định nguy cơ đợt dịch mới có thể xảy ra nên đã ban hành chỉ thị riêng, mạnh dạn tạm dừng một số dịch vụ ăn uống, quán bar, karaoke… Tôi cho là rất kịp thời, bởi đây là những nơi có nguy cơ cao. Đến nay có thể đánh giá chính vì áp dụng biện pháp kịp thời này, nên dịch mới không bung ra ở Hà Nội. Có thể thời điểm đó có người không đồng tình, nhưng sau này người dân rất ủng hộ vì hiểu đây là quyết sách đúng, kịp thời và chấp nhận hy sinh quyền lợi của một số ngành nghề để đảm bảo phòng chống dịch.

Ngay cả thực hiện giãn cách, Hà Nội cũng rất linh hoạt. Hà Nội đã sớm thực hiện giãn cách theo đúng nguy cơ, áp dụng ở diện hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Ví dụ như ở dịch phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), sau khi phong tỏa 2 ngõ 238 và 230, thành phố đã ngay lập tức cho xét nghiệm diện rộng khu vực Trung Hòa, Nhân Chính, Vũ Trọng Phụng… xác định dịch chỉ xảy ra ở 2 ngõ đó nên đã không phong toả rộng hơn. Hay khi dịch xảy ra ở toà nhà chung cư thì ban đầu tạm thời phong tỏa cả tòa nhà, khi xét nghiệm xong xác định nguy cơ ở 1 tầng thì thu hẹp lại chỉ phong tỏa ở 1 tầng... nhưng phong tỏa rất chặt, không để ngoài “chặt” trong “lỏng”.

Về xét nghiệm, Hà Nội đã sớm xét nghiệm tất cả các trường hợp ho sốt trên địa bàn với mỗi ngày trên ngàn trường hợp (mặc dù đây là quy định của Bộ Y tế nhưng không phải địa phương nào cũng làm được). Chính vì xét nghiệm như vậy mà Hà Nội đã phát hiện dịch xảy ra tại tất cả quận, huyện, thị xã, thấy được nguy cơ và quyết định giãn cách phù hợp, không để dịch bùng lên toàn thành phố.

Hà Nội đã xây dựng được kế hoạch tiêm chủng bài bản, khoa học và nhanh chóng; không chỉ tiêm cho người dân có hộ khẩu trên địa bàn mà ngay cả người dân không có hộ khẩu Hà Nội cũng được tiêm vắc xin, nên hiệu quả tạo miễn dịch cộng đồng cao. 

Hà Nội đã xây dựng được tổ Covid cộng đồng, y tế cơ sở tuyến quận, huyện, xã, phường… cán bộ tổ dân phố, thôn xóm… mạnh, thực sự là cánh tay kéo dài của tuyến trên. Hà Nội hình thành nhiều đội đáp ứng nhanh tại các tuyến, đặc biệt các đội của CDC tuyến tỉnh. Chính nhờ hệ thống này mà công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch của Hà Nội rất kịp thời, không để dịch lan rộng.

Một điểm nữa là Hà Nội hình thành nhiều vùng xanh do người dân tự quản. Chính có sự tự quản, có ý thức người dân, người dân tham gia thì chống dịch mới bền vững được.

Ngoài ra, tôi đánh giá cao công tác truyền thông của Hà Nội. Các thông tin dịch bệnh đều được công khai, minh bạch, nhất là thông tin về các ca bệnh đã giúp cho người dân biết vừa tự giác phòng, chống cho cá nhân, và cộng đồng.

Một kinh nghiệm về sự linh hoạt nữa của Hà Nội tôi cho là rất hay là trước khi thực hiện giãn cách thành phố đều giao cho các ngành xây dựng phương án phù hợp nhất bảo đảm tính khoa học và tính thực tiễn để không ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Đồng thời trước khi nới lỏng, bỏ giãn cách thành phố cũng giao cho các ngành xây dựng phương án đảm bảo an toàn.

- Hà Nội đã thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội liên tục trong 60 ngày, theo ông đánh giá có vấn đề tồn tại gì không?

Chỉ có vấn đề giấy đi đường là người dân chưa đồng tình lắm. Chúng ta phải chia sẻ vì phòng, chống dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, rất khó khăn, nên việc đòi hỏi 100% các biện pháp hoàn hảo là rất khó. Nhưng tôi thấy Hà Nội đã linh hoạt, điều chỉnh thay đổi ngay khi phát hiện biện pháp chưa phù hợp để không gây ách tắc, hình thành đám đông tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh…

- Trước đòi hỏi phải nhanh chóng kiểm soát dịch để rút ngắn nhất thời gian giãn cách xã hội, Hà Nội đã thực hiện tầm soát y tế với hơn 4 triệu test thay vì xét nghiệm toàn dân tốn tới 12 triệu test. Ông cho biết ý kiến về cách làm này của thành phố?

Ở đây tôi không bàn về số lượng xét nghiệm. Tôi chỉ muốn đề cập tới ý nghĩa và hiệu quả của việc xét nghiệm. Do đặc điểm của dịch Covid-19 có khoảng trên 60% các trường hợp nhiễm mà không có triệu chứng nên chỉ có xét nghiệm mới phát hiện được người nhiễm SARS-CoV-2. Xét nghiệm không chỉ phát hiện người nhiễm (F0) để cách ly, phong toả, dập dịch cũng như điều trị. Xét nghiệm còn có ý nghĩa rất quan trọng cho việc đánh giá nguy cơ. Xét nghiệm cần theo chỉ định dịch tễ để đưa ra các biện pháp đáp ứng phù hợp, hiệu quả, can thiệp đúng, trúng cho công tác phòng, chống dịch.

Trong công tác xét nghiệm, Hà Nội đã đưa ra quy định thời gian tối đa phải lấy mẫu, phải trả kết quả để kịp thời truy vết, từ đó đưa ra quyết sách phong toả, dập dịch nhanh nhất có thể. CDC Hà Nội, y tế các quận, huyện, xã phường… đã có trách nhiệm cả vấn đề xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch kịp thời, hiệu quả.

- Hiện nay, Hà Nội đang tích cực thiết lập trạng thái bình thường mới, ông nhận định về cách tiếp cận của thành phố vừa qua?

Tôi biết rằng, các cơ quan thành phố Hà Nội đã bàn rất kỹ các biện pháp, triển khai thực hiện một cách thận trọng, khoa học và có kế hoạch bài bản.

Đây là cách tiếp cận rất phù hợp, cần thiết. Hà Nội phải hòa nhịp với cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhưng  hòa nhịp sai sẽ dẫn tới tác động tiêu cực, đặc biệt phải lưu ý vấn đề phòng dịch. Trong lúc này không phải cứ nói nới lỏng là buông xuôi, thả lỏng hết; nới lỏng để làm ăn kinh tế nhưng vẫn phải kiểm soát được dịch.

Như các bạn biết là trong mấy ngày qua người dân từ các vùng dịch về Hà Nội được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tương đối nhiều. Trong lúc tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 còn thấp, thời gian tới người chưa tiêm từ nơi khác đổ về, miễn dịch cộng đồng cả nước chưa cao… nên Hà Nội phải đặt kiểm soát rất chặt, nếu không dịch lại bùng lên. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh là kiểm soát dịch có giải pháp, có phương án chứ không phải là cấm, đưa ra quy định trái với Nghị quyết 128/CP-NĐ, ảnh hưởng tới các địa phương khác.

- Ông có lưu ý gì đối với Hà Nội khi thiết lập trạng thái bình thường mới?

Đối với Hà Nội, nguy cơ dịch vẫn rất cao, diễn biến phức tạp, khó lường. Không thể nói là Hà Nội không có F0. Tôi cho là luôn luôn cần cảnh giác cao độ. Bản thân tôi có gợi ý một số giải pháp chính:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/CP-NQ của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện mục tiêu kép.

Thứ hai, luôn luôn xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ đặc biệt xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch để khoanh vùng dập dịch kịp thời đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.

Thứ ba là vấn đề tiêm vắc xin, người dân Hà Nội cần đi tiêm đầy đủ mũi 2, đặc biệt người già, người bệnh nền. Ngoài ra tôi đặc biệt lưu ý khi Hà Nội mở ra thì người dân nhập cư, học sinh, sinh viên về rất lớn, mà số lượng này ở các tỉnh được tiêm vắc xin rất ít; nên phải tập trung quan tâm. Nếu không thì dịch sẽ lây nhiễm vào đối tượng này, từ đó mà bung ra… Cần có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em.

Thứ tư là xem xét áp dụng cách ly tại nhà, thu gọn cách ly tập trung. Chuẩn bị cơ sở điều trị để nếu dịch có bùng phát thì không bị động.

Thứ năm là trong lúc này tập trung huấn luyện, đào tạo cho y tế cơ sở để đáp ứng với nhu cầu nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thứ sáu là làm tốt công tác truyền thông. Triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin mới giải quyết được nhiều ách tắc, vướng mắc, tồn tại như trong thời gian vừa qua.

Thứ bảy là cần có phương án thích ứng, linh hoạt trong đáp ứng phù hợp với hoạt động, ngành nghề, địa bàn để vừa phòng chống dịch tốt và làm kinh tế hiệu quả, có phương án cho học sinh đến trường.

Thứ tám là vai trò của người dân là rất quan trọng. Vì dịch ở trong dân, mà chỉ có dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mới có hiệu quả. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp “5K” vì “5K” cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Cần phải quản lý chặt người đi từ vùng dịch về bằng nâng cao tính tự giác khai báo y tế, nâng cao tính tự quản ở khu dân cư thông qua việc tuyên truyền, động viên, tư vấn, nhắc nhở về ý thức phòng bệnh. Hà Nội cũng phải tiếp tục bảo vệ thành quả phòng dịch ở “vùng xanh”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pcCovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. 

Nguồn báo Hà Nội mới

 


Các bài viết liên quan