Sàng lọc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm là một tình trạng bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở người từ 65 tuổi trở lên và đang mắc các bệnh thực thể như đái đường, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp,… Trầm cảm khiến người cao tuổi có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân, chán nản, mất hứng thú với những hoạt động thường ngày cũng như các mối quan hệ của bản thân trong gia đình và xã hội. Trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, và sức khỏe tinh thần, các suy nghĩ tiêu cực khiến người cao tuổi bệnh ngày một nặng hơn và có thể dẫn tới ý tưởng tự tử. Do đó, sàng lọc trầm cảm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Việc phát hiện sớm trầm cảm giúp người cao tuổi nhận được phương pháp được điều trị đúng cách và qua sàng lọc sớm sẽ giúp người cao tuổi tuổi kết nối với các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Công cụ sàng lọc trầm cảm trong chăm sóc sức khỏe tâm thần 

Các công cụ sàng lọc giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe tâm thần. Công cụ sàng lọc không dùng để chẩn đoán, mà chỉ đưa ra các đánh giá về nguy cơ hay nhận định một người dễ bị trầm cảm. Các công cụ sàng lọc cũng được sử dụng để khởi tạo các thông tin cơ bản ban đầu của người bệnh và so sánh điểm số trong suốt quá trình điều trị nhằm xác định hiệu quả của liệu pháp điều trị.

Các công cụ sàng lọc thường sử dụng để đánh giá trầm cảm ở người cao tuổi 

Một số công cụ sàng lọc thường được sử dụng để đánh giá trầm cảm ở người cao tuổi như: Thang đo trầm cảm ở người cao tuổi (The Geriatric Depression Scale  - GDS), Thang tự đánh giá trầm cảm ở bệnh nhân (Patient Health Questionare - 9 - PHQ-9), Thang đo trầm cảm ở người cao tuổi (Depression in Old Age Scale - DIA-S), Thang điểm đánh giá lo âu và trầm cảm trong bệnh viện (Hospital Anxiety and Depression Scale - HADS) và Thang đánh giá trầm cảm ở bệnh nhân sa sút trí tuệ (Cornell Scale for Depression in Dementia - CSDD).

Thang đo trầm cảm ở người cao tuổi (GDS) 

Thang đo GDS được xây dựng bởi tác giả Yesavage và cộng sự vào năm 1983, đã được nghiên cứu, thử nghiệm và sử dụng rộng rãi ở người cao tuổi. Thang đo đầy đủ GDS là một bảng hỏi gồm 30 mục, trong đó người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi có hoặc không về cảm nhận của họ trong tuần qua. Các câu hỏi từ thang đo GDS-30 có mối tương quan cao nhất với các triệu chứng trầm cảm trong các nghiên cứu lâm sàng. Thang đo GDS dạng ngắn gồm 15 câu hỏi được phát triển năm 1986 và thường được gọi là GDS-15. Các câu hỏi ví dụ như:

  • Ông/bà có hài lòng với cuộc sống của mình không?
  • Ông/bà có lo sợ điều gì đó tồi tệ sẽ xảy đến với mình không?
  • Ông/bà thích ở nhà hơn là ra ngoài và làm việc không?

Thang đo GDS-15 dễ sử dụng với người cao tuổi có hoặc không có vấn đề về nhận thức, do bao gồm những câu hỏi đơn giản “có hoặc không”. Thông thường chỉ mất khoảng 5 - 7 phút để hoàn thành bảng hỏi. Trong thang đo GDS-15, điểm từ 0 đến 5 là bình thường. Điểm > 5 cho thấy nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi, và họ cần được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa, hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần để đánh giá toàn diện hơn về bệnh trầm cảm. GDS-15 được đề xuất sàng lọc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, và chăm sóc sức khỏe tâm thần ngoại trú.

Thang tự đánh giá trầm cảm ở bệnh nhân (PHQ-9)

Thang đo PHQ-9 thường được sử dụng để sàng lọc bệnh trầm cảm ở các bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau, trong đó có người cao tuổi. PHQ-9 sử dụng thang đo likert (“không có” đến “gần như mỗi ngày”) để đánh giá tần suất gặp phải các triệu chứng. Thang đo PHQ-9 được khuyên không nên sử dụng với người cao tuổi bị rối loạn nhận thức hoặc sa sút trí tuệ. Thông thường, với các trường hợp này, nên sử dụng thang GDS-15 hoặc CSDD thay thế. 

Thang đo trầm cảm ở người cao tuổi (DIA-S) 

Thang đo trầm cảm ở người cao tuổi (DIA-S) là công cụ thiết kế sử dụng sàng lọc trầm cảm cho người cao tuổi đang mắc bệnh hoặc phải nhập viện. Bộ công cụ sàng lọc này bao gồm 10 câu ngắn gọn về bệnh trầm cảm với dạng câu trả lời có/không đơn giản. Ví dụ:

  • Tôi đang cảm thấy buồn chán.
  • Tôi có xu hướng lo lắng rất nhiều.

Trong thang đo DIA-S, điểm từ 0 đến 2 là bình thường. Điểm > 3 cho thấy người cao tuổi có thể đã mắc trầm cảm và nên được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa, hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần để đánh giá toàn diện hơn về bệnh trầm cảm.  

Thang điểm đánh giá lo âu và trầm cảm trong bệnh viện (HADS)

Thang đo HADS được hai tác giả Zigmond và Snaith xây dựng năm 1983 để đo lường sự lo lắng và trầm cảm ở những bệnh nhân nhập viện. Hiện nay, thang đo này đã trở thành một công cụ phổ biến để sàng lọc lo âu và trầm cảm đối với bệnh nhân nội trú.  

Thang đánh giá trầm cảm ở bệnh sa sút trí tuệ của Cornell (CSDD)

Thang đo CSDD là bộ công cụ sàng lọc gồm 19 mục nhằm phát hiện trầm cảm ở người lớn mắc chứng sa sút trí tiệu từ trung bình đến nặng. Mất khoảng 30 phút để thực hiện bộ công vụ và được thực hiện theo hai bước:

  1. Bước 1: Bác sĩ sẽ sử dụng thang đo để phỏng vấn người chăm sóc bệnh nhân về từng nội dung trong số 19 tiểu mục của thang đo dựa trên những quan sát của người chăm sóc về hành vi của người mắc chứng sa sút trí tuệ trong tuần qua.
  2. Bước 2: Bác sĩ sẽ phỏng vấn ngắn gọn người bệnh sa sút trí tuệ.

Các nội dung đánh giá bao gồm:

  • Các dấu hiệu liên quan đến tâm trạng như buồn bã, lo lắng, khó chịu
  • Rối loạn hành vi như bồn chồn hoặc tĩnh lặng
  • Các dấu hiệu thể chất như chán ăn, mất năng lượng….
  • Sự thay đổi các hoạt động chức năng theo chu kỳ như thay đổi thời gian ngủ và thức
  • Rối loạn tư tưởng, rối loạn suy nghĩ như ý nghĩ tự tử, lòng tự trọng thấp, gia tăng ảo tưởng.

KHÔNG bỏ qua các dấu hiệu và triệu chứng về sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi. Cần SÀNG LỌC phát hiện sớm để giúp người cao tuổi có nguy cơ trầm cảm kết nối kịp thời với các bác sĩ chuyên khoa và các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe tâm thần. 

Tổng hợp, dịch tóm tắt từ bài viết của TS. Regina Koepp, TS Tâm lý học Lâm sàng, Tâm lý học lão khoa,  Trung tâm Y tế, Trường Đại học Vermont, Mỹ.

ThS. Phương Dung - Khoa YTCC

 


Các bài viết liên quan