Lặng thầm những “chiến sĩ áo trắng”

Luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường đến bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào xuất hiện ca nghi nhiễm bệnh; chạy đua với thời gian để phân tích hàng trăm mẫu bệnh phẩm mỗi ngày; trực tiếp đi vào tâm dịch để điều tra, phát hiện và ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh... Những đóng góp của “người chiến sĩ áo trắng” y tế dự phòng lặng thầm nhưng vô cùng quan trọng trong mọi cuộc chiến chống dịch bệnh.

Chia sẻ tâm tư của đội ngũ y bác sĩ “hậu trường” trong bối cảnh diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 do vi-rút Corona chủng mới (Sars-CoV-2) gây ra đang thách thức nền y tế toàn cầu, GS-TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Cho đến thời điểm hiện nay, nước ta mới chỉ ghi nhận hơn chục bệnh nhân nhiễm vi-rút Corona chủng mới (Sars-CoV-2,  hay còn gọi là Covid-19). Tuy nhiên, để “khoanh vùng” được chính xác các ca lây nhiễm, loại trừ các trường hợp nghi nhiễm cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch là một khối lượng công việc rất lớn. Dịch xuất hiện ngay trước Tết Nguyên đán, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng lập tức xác định sẽ phải căng mình làm việc không có kỳ nghỉ lễ này nữa.

* PV: Ngày 12/2 vừa qua, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì có thành tích xuất sắc trong việc nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của vi-rút Corona. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của thành công này?

GS-TS. Đặng Đức Anh:

Thời gian qua, các nghiên cứu viên xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã làm việc xuyên Tết, xuyên đêm, phân tích hàng trăm mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. Nhóm thì làm khâu phòng chống dịch, còn nhóm hậu cần luôn trong tinh thần “trực chiến” sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu được thông báo có ca nghi nhiễm bệnh để đến lấy mẫu bệnh phẩm, điều tra, giám sát... Vì vậy, tính đến nay, công tác kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đạt kết quả nhất định. Đó cũng là động viên rất lớn cho ngành Y tế Việt Nam nói chung, trong đó có đội ngũ y tế dự phòng vốn luôn hoạt động “thầm lặng” thời gian qua.

Đây có thể nói là kết quả bước đầu rất quan trọng, để Việt Nam tiến tới nghiên cứu sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán bệnh Covid-19. Từ thành quả này, các nhà khoa học có thể chủ động tìm hiểu các đặc tính của vi-rút, đặc tính di truyền học, kháng nguyên, bộ gen của vi-rút, so sánh bộ gen vi-rút lưu hành tại Việt Nam khác gì so với vi-rút tại Trung Quốc và trên thế giới.

Trước mắt, chứng dương có chứa đoạn AND/ARN của chủng mới vi-rút Corona sẽ được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chuyển giao cho các đơn vị nghiên cứu sản xuất test xét nghiệm nhanh để hoàn thiện đánh giá sản phẩm. Việc nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của vi-rút Corona giúp trong nước có thể làm chủ được nguồn nguyên liệu phục vụ cho xét nghiệm vi-rút Corona, và tới đây có thể thực hiện được xét nghiệm này đến tuyến tỉnh, giúp phát hiện, sàng lọc sớm các ca nghi ngờ, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho phòng chống dịch và điều trị. Xa hơn, việc giải mã gen, tìm hiểu kháng nguyên, làm vắc-xin có thể được nghiên cứu nếu điều kiện cho phép.

Trong tình hình hiện nay, nhiều nước (ngoài Trung Quốc) đang có số lượng ca nhiễm vi-rút Sars-CoV-2 lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, tại Hàn Quốc có nhiều người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc, mặc dù hiện chưa có thông tin về người Việt Nam tại đây mắc bệnh, nhưng chúng ta cũng sẽ phải dự tính thời gian tới, sẽ có nhiều người Việt Nam từ vùng dịch trở về nước, số ca nghi nhiễm, các trường hợp cần xét nghiệm để loại trừ hoặc khẳng định nhiễm bệnh có thể tăng cao đột biến.

* Vậy theo ông, chúng ta đã chuẩn bị đủ nguồn lực để ứng phó trong trường hợp phải thực hiện kiểm soát cũng như xét nghiệm số lượng lớn ca nghi nhiễm để phòng chống dịch hiệu quả?

- Hiện nay, cả nước có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và thống nhất chuyển giao công nghệ, thống nhất phương pháp thực hiện mẫu xét nghiệm, gồm: Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Chúng tôi đã tiến hành chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn cho 22 phòng xét nghiệm là những đơn bị đủ máy móc, trang thiết bị và nhân lực đạt chuẩn do WHO công nhận.

Thời gian qua, chúng ta cũng có một số đơn vị khác đã có thể làm xét nghiệm như: Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, Hà Nội… Với cơ số phòng xét nghiệm này, theo tính toán, chúng ta có khả năng cung cấp vài ngàn mẫu xét nghiệm mỗi ngày tại nhiều địa phương khác nhau, thay vì chỉ chuyền về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương như vừa qua. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng của Viện là đề xuất với Bộ Y tế các hướng dẫn phòng dịch như: Thu dung, cách ly bệnh nhân, kiểm soát các trường hợp nghi nhiễm bệnh tại cửa khẩu, sân bay…

* Cho đến nay, thế giới vẫn rất khó khăn trong việc đối phó với các bệnh nguy hiểm từ các chủng vi-rút Corona. Ví dụ, đã 17 năm kể từ khi thế giới lần đầu biết đến SARS và 7 năm từ khi xuất hiện MERS, nhưng vẫn chưa có vắc-xin ngừa vi-rút cho 2 dịch bệnh này. Với dịch Covid-19 này, triển vọng có vắc-xin phòng bệnh có lẽ vẫn còn xa?

- Việc phát triển vắc-xin góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa các ca nhiễm Covid-19 trong tương lai. Tuy nhiên, cần có thời gian để phát triển các loại vắc-xin này, do phải qua các bước thử nghiệm trên động vật cũng như người để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng đại trà.

Đối với dịch SARS năm 2003, các nhà khoa học phải mất 4 tháng để giải mã trình tự gen của vi-rút Corona gây dịch bệnh này, sau đó phát triển các kháng nguyên để dùng trong các thử nghiệm nuôi cấy tế bào và trên động vật. Việc nuôi cấy phân lập thành công vi-rút Sars-CoV-2 lần này có tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Kết quả bước đầu này sẽ giúp các nhà khoa học rút ngắn khoảng cách, tạo tiền đề trong việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin trong tương lai, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.

Một trong các nhiệm vụ của chúng tôi được Bộ Y tế giao, đó là nghiên cứu sâu hơn về độc lực của vi-rút này. Khả năng chúng ta có thể sử dụng để sản xuất vắc-xin thì những công việc này không thể thực hiện trong thời gian sớm. Tôi nghĩ phải mất 6 tháng đến 1 năm mới có những kết quả ban đầu về hướng nghiên cứu kháng thể; ngoài ra còn rất nhiều bước khác nghiên cứu về tính an toàn, hiệu lực…

Chúng tôi sẽ cố gắng để có các sản phẩm khoa học, nhưng có lẽ không thể nhanh được. Hiện nay, chúng ta đã làm được vắc-xin H5N1 trên người, cúm mùa… Đó có thể là một trong các gợi ý về hướng nghiên cứu. Còn trước mắt, người dân dù không nên quá hoang mang về dịch nhưng vẫn không được lơ là mất cảnh giác, cần phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Lương Thảo (Thực hiện)

 


Các bài viết liên quan