Giám sát vi rút gây dịch, duy trì các đội phản ứng nhanh

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, xu hướng chung trên cả nước, vi rút lưu hành chủ yếu là týp vi rút D1, D2. Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu tăng cao từ tháng 5 vừa qua.

Trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh thành phía bắc ghi nhận gần 1.500 ca mắc SXH (chủ yếu tại Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa…), chiếm khoảng 1% tổng số ca của cả nước (miền Nam chiếm nhiều nhất với 82%). Tại phía nam, dịch SXH tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, TP lớn, khu công nghiệp.

Số mắc hiện đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, dịch SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vừa qua, từ tháng 5 - 7.2022, Bộ Y tế liên tục có các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ công tác phòng chống SXH tại một số tỉnh, thành.

Chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư kiến nghị các viện, các địa phương cần tiếp tục giám sát đặc điểm tác nhân vi rút gây bệnh dịch như SARS-CoV-2, vi rút Dengue, bệnh tay chân miệng để đánh giá diễn biến dịch, độc lực vi rút phục vụ cho công tác phòng chống dịch và điều trị. Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục duy trì các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch tại tuyến; chủ động phân tuyến điều trị ca bệnh SXH, bao gồm các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị; cần hướng dẫn đến người dân nhận biết các dấu hiệu nghi mắc SXH; nhận biết các triệu chứng SXH tăng nặng phải đến bệnh viện ngay, tránh biến chứng nguy hiểm (sốc, xuất huyết não...), tử vong.

Đến nay, SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan