Cả nước ghi nhận 224.771 ca mắc sốt xuất huyết, chuyên gia cảnh báo tái nhiễm có thể nghiêm trọng hơn

Đến nay cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng. Các chuyên gia cảnh báo tái nhiễm virus dengue có thể làm sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tuần 38/2022, ghi nhận 11.472 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 3 ca tử vong. So với tuần trước (11.740/4) số mắc giảm 2,3%, số nhập viện giảm 4,8%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc, 92 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng.

Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc tại Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.

Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Tại hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dengue vì sức khỏe cộng đồng" do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Nhiễm virus dengue thứ phát có thể làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn.

"Nói một cách khác, những lần nhiễm virus về sau sẽ khiến người bệnh có thể diễn biến nặng hơn so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, việc sốt xuất huyết có diễn biến nặng hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị có kịp thời và đúng phác đồ hay không.

Hơn hết, công tác phòng chống sốt xuất huyết cần thường xuyên, lâu dài và rất cần sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng và xã hội" – ông Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu. Có 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết dengue, tỉ lệ mỗi lúc mỗi tăng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như năm 2020-2021, tình hình dịch sốt xuất huyết có giảm hơn so với những năm trước đó do thực hiện giãn cách xã hội và các công tác phòng chống dịch COVID-19 thì tình hình sốt xuất huyết năm 2022 ghi nhận số ca mắc mới tăng cao so với 2 năm trước. Trong đó số ca sốt xuất huyết nhập viện và số ca nặng cũng tăng cao hơn. 

Nguồn báo Sức khoẻ & Đời sống

 


Các bài viết liên quan