BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG - THỰC TRẠNG VÀ HẬU QUẢ

Bạo lực học đường đang là vấn đề gây nhức nhối không chỉ đối với gia đình, nhà trường, ngành giáo dục mà còn với toàn xã hội bởi những hệ lụy lâu dài mà nó mang lại.

Bạo lực học đường là gì?

Bạo lực học đường là những hành vi hung hăng, đối xử thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, cố ý xúc phạm, trấn áp hay gây thương tích cho một/một nhóm học sinh cả về tinh thần và thể chất diễn ra trong phạm vi trường học. Những hành vi trên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần cho người bị hại dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cách, suy nghĩ, hành động ứng xử trong tương lai. 

Phân loại các hành vi bạo lực học đường

Bạo lực học đường diễn ra dưới nhiều hình thức và nhiều đối tượng khác nhau bao gồm:

  • Bạo lực thể chất là các hành vi đối xử thô bạo lên thân thể như đánh, đấm, cấu, tát, dứt tóc, xé quần áo, kéo tai, trấn lột, cướp đồ của một/một nhóm học sinh hoặc các hình phạt thể chất của giáo viên/nhà trường; 
  • Bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói như gán ghép, gán biệt danh (mang ý nghĩa xấu), chế nhạo làm tổn thương, sỉ nhục, dùng lời nói đe dọa, ép buộc một/một nhóm học sinh khác làm theo ý mình; 
  • Bạo lực tình dục bao gồm hành vi xâm hại thân thể, hiếp dâm và quấy rối tình dục trong trường học; 
  • Bạo lực xã hội là những hành vi như phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, tạo/phát tán tin đồn thất thiệt (mang ý nghĩa xấu) cho một/một nhóm học sinh;

Thực trạng bạo lực học đường 

Trên thế giới, bạo lực học đường là một vấn nạn xã hội mà nhiều quốc gia đang phải đương đầu. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình trên thế giới mỗi ngày có khoảng 565 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 6 – 29 tuổi tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bạo lực trong trường học.

Tại Việt Nam, theo báo cáo khảo sát liên ngành phối hợp giữa Bộ Công An và Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) từ năm 2011 đến hết quý 1 năm 2018, trung bình hàng năm toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê từ khảo sát này, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Theo số liệu báo cáo của Bộ công an hàng tháng có hơn 1000 thanh thiếu niên phạm tội, trong đó có khoảng 17% tội phạm giết người nằm trong độ tuổi từ 14 – 18 tuổi... Một nghiên cứu năm 2017 triển khai tại Huế cho thấy 32% học sinh có hành vi bạo lực học đường, đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ học sinh có hành vi bạo lực và bị tổn thương tập trung ở nhóm học sinh trung học phổ thông vì đây là nhóm tuổi có thay đổi lớn về tâm sinh lý khi bắt đầu tuổi dậy thì, thường thích thể hiện cái tôi cá nhân nhưng khả năng kiểm soát hành vi và tự kiềm chế kém.

Hậu quả của bạo lực học đường

Bạo lực học đường có thể dẫn tới những thương tổn ảnh hưởng suốt đời đến sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em, gia đình, cộng đồng và quốc gia. Bạo lực học đường có thể gây ra:

  • Dẫn đến tử vong: Hậu quả nặng nề nhất của bạo lực học đường là giết người, những tình huống bạo lực liên quan đến vũ khí như dao và súng, là một trong bốn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên, trong đó trẻ em trai chiếm hơn 80% nạn nhân và thủ phạm.
  • Dẫn đến thương tích nặng nề: những vụ bạo lực học đường có thể gây ra những thương tổn nặng nề trên thân thể do đánh nhau và hành hung đặc biệt khi có sử dụng vũ khí.
  • Làm suy giảm sự phát triển tâm sinh lý và hệ thần kinh: Tiếp xúc với bạo lực khi còn nhỏ có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và làm tổn thương hệ thần kinh dẫn đến những hậu quả suốt đời về tâm sinh lý. Do đó, bạo lực đối với trẻ em có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhận thức.
  • Dẫn đến những hành vi nguy cơ đối với sức khỏe: Trẻ em bị bạo lực thường có hành vi xấu ảnh hưởng tới sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu, bia và chất kích thích, tham gia vào các hành vi tình dục nguy cơ cao. Đây là nhóm đối tượng có tỷ lệ cao mắc lo âu, trầm cảm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và hành vi tự vẫn.
  • Dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, các bệnh phụ khoa và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bao gồm cả HIV/AIDS.
  • Gia tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và các tình trạng sức khỏe khác do các hành vi nguy cơ sức khỏe liên quan đến bạo lực như đã phân tích ở trên.
  • Tác động đến thế hệ tương lai: Trẻ em bị bạo lực thường có suy nghĩ muốn bỏ học, khó tìm và giữ việc làm, và có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân sau này hoặc có hành vi bạo lực tự định hướng, do đó bạo lực đối với trẻ em có thể dẫn đến hệ lụy xấu cho thế hệ mai sau. 

ThS. Mỹ Hạnh - Khoa YTCC

 


Các bài viết liên quan