WHO: Châu Âu có thể sống chung với đại dịch COVID-19

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, Hans Kluge, cho rằng thông qua việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 bằng các biện pháp phong tỏa cục bộ, châu Âu hoàn toàn có thể sống chung với dịch COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 15/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 15/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Châu Âu có thể sống chung với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà không cần có vắcxin, thông qua việc kiểm soát dịch bệnh bằng các biện pháp phong tỏa cục bộ.

Đây là quan điểm của Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, Hans Kluge đưa ra ngày 1/9 trong trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh trở lại tại châu lục này.

Theo ông Kluge, thời điểm mà con người chiến thắng dịch bệnh chính là không nhất thiết cần đến vắcxin và đó là khi con người học cách sống chung với dịch bệnh.

Ông bày tỏ hy vọng châu Âu sẽ không ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn để tránh làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ 2 tại lục địa này, mà thay vào đó là các biện pháp phong tỏa cục bộ.

Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 1/9, trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 4.729 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện đã lên tới vượt con số 1 triệu (1.000.048 ca).

Hiện, Nga là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Âu và đứng thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ.

Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine ngày 1/9 có đánh giá về tình hình dịch bệnh ở nước này, cho rằng trong tháng 9 tới, số ca nhiễm mới tại quốc gia Đông Âu này sẽ tiếp tục tăng và có thể tăng tới 3.000 ca/ngày vào cuối tháng 9. 

Trong ngày 1/9, Ukraine thông báo ghi nhận 2.088 ca nhiễm mới sau khi tuần trước số ca nhiễm mới trong ngày đột ngột tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay 2.481 ca.

Tại thời điểm năm học mới khai giảng, nhiều nước châu Âu đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trong ngày 1/9, hàng triệu học sinh tại Pháp, Ba Lan, Nga đã trở lại trường học và hành trang mang theo không chỉ có sách vở, mà còn có cả khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các trường học trên khắp châu Âu sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch như bổ sung các khu vực vệ sinh tay, thực hiện giãn cách xã hội, và bố trí giờ ra chơi so le.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ học sinh và các tổ chức giáo viên vẫn bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh khi học sinh quay trở lại trường học./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

 


Các bài viết liên quan