Công đoàn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức cho đoàn viên thăm quan di tích lịch sử tại tỉnh Ninh Bình
Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (03/10/1945 - 03/10/2023) và 93 năm Ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023) Công đoàn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức cho đoàn viên công đoàn của Viện tham quan di tích lịch sử tại tỉnh Ninh Bình.
Đoàn viên công đoàn Viện chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư
Tham dự đoàn có PGS.TS Trần Như Dương, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng phụ trách quản lý, điều hành Viện, Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Thường vụ Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Chủ tịch Công đoàn Viện và đặc biệt có trên 100 đoàn viên công đoàn tham gia hoạt động ý nghĩa này.
Đoàn tham quan của Viện đã đến thăm khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lưu - đây là một trong bốn vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa kép đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á vào năm 2014. Đây là điểm tham quan tại Ninh Bình được nhiều người yêu thích nhất hiện nay.
Cố đô Hoa Lư là đế đô đầu tiên của nước ta, tồn tại trong 42 năm. Mảnh đất này là nơi đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968 - 980), 29 năm triều Tiền Lê (980 - 1009) và đầu nhà Lý (1009 - 1010). Với địa thế đồi núi trùng điệp bao bọc xung quanh vành đai kinh đô như tấm bình phong vững chãi, cùng dòng Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn với hào sâu, Hoa Lư là vùng đất có giá trị cao về mặt quân sự. Chính tại vùng đất này, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt oai hùng, và Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị, đồng thời là đế đô đầu tiên của nước ta.
Đến thời vua Lý Thái Tổ, ông đã đưa ra quyết định dời đô lịch sử, và Hoàng thành Thăng Long chính là nơi được lựa chọn khi nhận ra kinh đô Hoa Lư chật hẹp, khó mở mang thành đô và không phù hợp với vị thế đất nước lúc bấy giờ. Chính quyết định mang tính chất lịch sử này đã kết thúc những tháng ngày Hoa Lư là vùng đất cố đô của nước ta. Tuy nhiên, hệ thống triều đình và cơ sở vật chất của Hoàng thành Thăng Long lúc bấy giờ đều thừa hưởng từ kinh đô Hoa Lư ngày trước. Tuy sau này các vua không sinh sống tại đây nữa, nhưng Cố đô Hoa Lư vẫn tiếp tục được xây dựng những công trình kiến trúc kiên cố với đền, chùa, đền thờ và được bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Đoàn viên công đoàn Viện chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư
Việc tham quan khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, giúp cho viên chức và người lao động của Viện hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta, góp phần vun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của mỗi người con đất Việt.
Ngoài ra, đoàn viên công đoàn Viện tham quan Khu du lịch sinh thái Thung Nham thuộc vùng lõi của quần thể Di sản thế giới Tràng An và nằm ngay cạnh khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Trong tiếng Hán Việt, Thung Nham có nghĩa là thung lũng có vách đá dựng đứng, hiểm trở bao quanh đã mô tả đúng đặc điểm sinh thái với sự kết hợp hài hòa giữa sự hùng vỹ và vẻ nên thơ.
Đoàn viên công đoàn Viện chụp ảnh lưu niệm tại khu sinh thái Thung Nham - Ninh Bình
Toàn bộ khu du lịch có tổng diện tích hơn 300 ha, trong đó 334,2 ha là rừng ngập nước. Đây là nơi cư trú của 109 loài thực vật, 150 loài động vật. Việc tổ chức tham quan khu du lịch sinh thái Thung Nham là hình thức tuyên truyền trực tiếp, sinh động của Công đoàn Viện giúp đoàn viên công đoàn nâng cao ý thức, trách nhiệm và là hành động thiết thực bảo vệ môi thiên nhiên, sinh thái.
Ths. Phạm Văn Tiến - Phòng TCCB