Trì hoãn tiêm chủng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ

Sáng 19-4, chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh bế con đến trạm y tế sớm. Cháu Nguyễn Ngọc Như, con chị Tuyết đến lịch tiêm chủng mũi vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản. Trước mũi tiêm này, cháu Như đã được tiêm đủ các mũi sởi, vắc xin 5 trong 1, vắc xin ngừa lao... Chị Tuyết cũng được các "mẹ bỉm sữa" có con trong cùng độ tuổi hướng dẫn sau mỗi buổi tiêm chủng cần theo dõi bé chặt chẽ. "Bé đi tiêm chủng về thì em chú ý nhắc nhở mọi người để chăm bé hơn" - chị Tuyết nói.

Trì hoãn tiêm chủng sẽ làm tăng nguy cơ dịch bệnh

Y sĩ Nguyễn Hữu Thái tại bàn đăng ký tiêm chủng. Ảnh: Nguyễn Đoàn

 Tại xã Tượng Sơn, y sĩ Nguyễn Hữu Thái là người trực đăng ký tiêm chủng của buổi tiêm 19-4 cho biết mỗi đợt tiêm chủng thường kỳ, cả xã này có khoảng 100 cháu đến lịch tiêm chủng, Trạm Y tế xã sẽ tiêm trong 2 buổi (mỗi buổi tiêm 50 trẻ). Theo y sĩ Thái, hiện tỷ lệ tiêm chủng các mũi vắc xin như sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản... đạt tỷ lệ rất cao, nhưng mũi vắc xin 5 trong 1 thì đạt chưa cao.

TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hà Tĩnh cho hay Hà Tĩnh đạt tỷ lệ tiêm chủng 96% ở quy mô xã phường, trong số các cháu đã tiêm chủng mũi vắc xin 5 trong 1 đến nay chưa ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin này, đa số các cháu gặp phản ứng chỉ sốt nhẹ. Nhiều năm nay Hà Tĩnh cũng không có ca mắc bạch hầu, ho gà, uốn ván, nhưng từ đầu 2019 đến nay có 35 trường hợp nghi mắc sởi, khoảng 20% trong đó là người lớn.

TS.BS. Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Đoàn

Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Hà Tĩnh. Năm 2018, còn có trên 87.000 trẻ em Việt Nam dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng đầy đủ, đồng nghĩa với việc có nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu xuất hiện mầm bệnh.

Phát biểu tại lễ phát động Tuần lễ Tiêm chủng 2019, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng tại nhiều nước có thu nhập trung bình và cao, trong đó có Việt Nam có phong trào trì hoãn tiêm ngừa, do do dự hoặc e ngại chất lượng vắc xin từ những thông tin thiếu chính xác. Trong khi việc trì hoãn tiêm ngừa có thể đem lại những hậu quả nghiêm trọng như làm các dịch bệnh đã được thanh toán hoặc loại trừ quay trở lại, làm lây lan các dịch bệnh đang lưu hành.

Hình ảnh trẻ tại điểm tiêm chủng. Ảnh: Nguyễn Đoàn

Việt Nam nỗ lực đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng

"Tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao nhưng đã nảy sinh những thách thức mới cho tiêm chủng, nhất là ở vùng sâu vùng xa và các thành phố lớn.  Có những gia đình trì hoãn tiêm chủng vì lý do "thuận với tự nhiên", có gia đình không nắm được lịch tiêm chủng, có gia đình ngần ngại ngay cả khi con ốm nhẹ..."- Báo cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết.

Theo báo cáo này, vắc xin có hiệu quả phòng bệnh cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi triển khai trên diện rộng, vắc xin mới đảm bảo tạo ra hàng rào miễn dịch bảo vệ cho cộng đồng và phát huy hết hiệu quả. Trong đó, nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt 90-95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng có nguy cơ cảm nhiễm, bệnh không thể lan rộng.

Nước Mỹ đã công bố loại trừ bệnh sởi từ năm 2000, nhưng do tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống mà dịch sởi trong 1 năm qua là lớn nhất trong 27 năm gần đây. Châu Âu cũng đã ghi nhận gần 8.600 ca mắc sởi, 33 ca tử vong liên quan đến sởi, rất nhiều người mắc và tử vong do sởi là do trì hoãn tiêm vắc xin. Việt Nam hiện đang nỗ lực để có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% ở quy mô xã phường. Nhưng nô lực ấy chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay của các bậc cha mẹ.

Nguyễn Bá Đoàn-Dự án TCMR

 


Các bài viết liên quan