Tổng kết khoá Đào tạo dịch tễ học thực địa trung hạn - FETP IC3

Sau 9 tháng triển khai, khoá Đào tạo dịch tễ học thực địa trung hạn, khóa thứ 3 (IC3) đã tổ chức buổi tổng kết bế mạc vào ngày 27/3/2024 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Buổi tổng kết của khoá có sự tham gia của PGS.TS. Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; TS. Bryan Kim - Phó giám đốc Quốc gia, Phó giám đốc Chương trình An ninh y tế Toàn cầu, USCDC Việt Nam; BS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh Hà Giang cùng đại diện của Văn phòng FETP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang, các thầy cô và 12 học viên tham gia khoá học. Tại buổi lễ, PGS.TS. Trần Như Dương và TS. Bryan Kim đã phát biểu và đánh giá cao quá trình triển khai và học tập của Khoá IC3 cũng như Chương trình Đào tạo dịch tễ học thực địa FETP.

Bế mạc khoá IC3 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Khoá IC3 được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống y tế dự phòng và năng lực dịch tễ học cho các cán bộ y tế trong việc nâng cao giám sát và đáp ứng về y tế công cộng. Học viên tham gia IC3 đều là những cán bộ đã tốt nghiệp Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa cơ bản và trải qua quá trình tuyển chọn của Chương trình với vị trí làm việc phù hợp và được đánh giá đủ năng lực hoàn thành khoá học. Trong thời gian 9 tháng tham gia, học viên đã được tham gia học tập trực tiếp tại Viện và các hoạt động thực địa cùng đội ngũ giảng viên là những người có chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tế trong điều tra, giám sát và đáp ứng dịch bệnh đến từ Viện, USCDC, văn phòng FETP, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế công cộng. Thời gian tập trung 7 tuần trên lớp thông qua 5 hội thảo có tính tương tác cao giúp học viên học tập và thực hành các phương pháp giám sát y tế công cộng, phát hiện và điều tra dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, phương pháp điều tra/nghiên cứu dịch tễ học. Trong khoảng thời gian xen giữa các hội thảo, học viên được vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào các bài tập thực địa cụ thể liên quan đến công việc với sự hỗ trợ của các hướng dẫn viên riêng của mình. Các bài tập thực địa tập trung vào điều tra các bệnh dịch nổi trội tại địa phương như Thuỷ Đậu, Chân-Tay-Miệng, Sởi, Sốt xuất huyết, HIV, Sốt rét…các báo cáo đã chỉ ra tình trạng dịch tại địa phương, khả năng ứng phó với dịch bệnh, đưa ra các biện pháp đáp ứng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống dịch trên địa bàn của mỗi tỉnh.

Một trong những hoạt động tiêu biểu và nổi bật của Khoá IC3 là bài tập nhóm điều tra dịch bạch hầu tại Hà Giang vào tháng 9 năm 2023. Với sự chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng, tập thể lớp đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, USCDC, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang và Trung tâm y tế huyện Mèo Vạc, Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc đã tiến hành điều tra dịch nhằm cung cấp thông tin phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả. Kết quả của điều tra đã triển khai đáp ứng 2 mục tiêu: 1) Mô tả đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng của bệnh bạch hầu tại một số xã, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và 2) Mô tả nguy cơ dịch bạch hầu bùng phát và các biện pháp phòng chống dịch bạch hầu đã triển khai. Đồng thời, trong hoạt động này, học viên đã có cơ hội thực hành về xây dựng đề cương và công cụ điều tra, xây dựng kế hoạch thực địa, lấy mẫu, làm sạch và phân tích số liệu, viết báo cáo và công bố kết quả.

Đặc biệt, kết quả của hoạt động điều tra bạch hầu đã được học viên báo cáo tại buổi lễ tổng kết của khoá. Hai báo cáo với chủ đề “Đặc điểm dịch tễ học và lâm sàng của bệnh bạch hầu tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tháng 09, 2023” và “Nguy cơ dịch bạch hầu bùng phát và các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai tại một số xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tháng 9 năm 2023” đã nhận được sự đánh giá cao về chất lượng cũng như tính thời sự và thực tiễn. Báo cáo không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà dịch tễ học có mặt tại Viện mà còn từ rất nhiều thành viên trong mạng lưới dịch tễ học thực địa.

Học viên IC3 báo cáo kết quả bài tập nhóm

Kết thúc khoá học, với những kiến thức và kỹ năng đã được trang bị, các nhà dịch tễ học thực địa sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống phòng, chống dịch bệnh tại địa phương nói riêng và hệ thống y học dự phòng nói chung. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu một nhà dịch tễ học thực địa trên 500.000 dân vào năm 2028.

CN. Mỹ Liên - TT ĐT & QLKH

 


Các bài viết liên quan