TỔNG KẾT DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT GIÁM SÁT VÀ PHÁT HIỆN CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM TẠI MỘT SỐ TỈNH Ở VIỆT NAM

Ngày 29/3/2024, tại Đà Nẵng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Cục Thú y và Tổ chức PATH tổ chức hội thảo để tổng kết hoạt động của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật Giám sát và Phát hiện các bệnh truyền nhiễm tại một số tỉnh ở Việt Nam”. Dự án được Bộ Y tế phê duyệt tại quyết định số 3652/QĐ-BYT ngày 26 tháng 09 năm 2023 (đối với cấu phần các hoạt động y tế) và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt tại quyết định số 2802/QĐ-BNN-HTQT vào ngày 12 tháng 07 năm 2023 (đối với cấu phần các hoạt động thú y). Dự án do USAID tài trợ là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy Chương trình Nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu, một chương trình toàn cầu nhằm giúp tăng cường năng lực của các quốc gia với mục tiêu tạo dựng một thế giới an toàn và không có các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm, đồng thời thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu như là một ưu tiên của quốc gia và toàn cầu.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhận định an ninh y tế toàn cầu là những hoạt động cần thiết để giảm thiểu khả năng bị tổn thương của người dân trên toàn thế giới bởi những nguy cơ sức khỏe mới, cấp tính, hoặc lây lan nhanh. Những nguy cơ này đặc biệt cao ở các nước kém phát triển và đang phát triển, hoặc những nước có hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và đáp ứng dịch bệnh yếu kém. Hơn 10 năm qua, thế giới ghi nhận hàng loạt vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi với số mắc và tử vong tăng cao, tập trung nhiều ở châu Á và châu Phi (ví dụ Mers-Cov, Ebola, ..). Đáng lo ngại là đến 75% bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ xuất hiện và tái xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người do mật độ dân cư và mật độ chăn nuôi cao, đô thị hóa ngày càng tăng, mức độ buôn bán động vật và sản phẩm động vật trong nước và xuyên biên giới lớn, chăn nuôi quy mô nhỏ phổ biến, thực hành an toàn sinh học kém và hệ thống canh tác hỗn hợp. Hiện nay, hoạt động chuyển mẫu bệnh phẩm y tế và thú y tại Việt Nam vẫn còn thiếu sự đồng bộ về tiêu chuẩn chất lượng và chưa hợp thành một hệ thống đồng nhất. Điều này gây ra các quan ngại về an toàn và an ninh sinh học do việc vận chuyển không đạt tiêu chuẩn có thể dẫn đến lan truyền tác nhân gây bệnh ra môi trường hoặc thất lạc mẫu bệnh phẩm. 

Dự án này thực hiện tại 5 tỉnh là Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa và Thái Nguyên, nhằm hỗ trợ kĩ thuật để tăng cường năng lực giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm thông qua việc xây dựng và thí điểm mô hình chuyển mẫu bệnh phẩm y tế và thú y, tăng cường sử dụng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát và góp phần nâng cao năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm, góp phần phát hiện và đáp ứng sớm với các bệnh dịch đang lưu hành và bệnh mới nổi tại Việt Nam. Đến nay dự án đã hoàn thành các hoạt động theo mục tiêu đã đề ra.

Mẫu bệnh phẩm được gửi thông qua mô hình vận chuyển do dự án hỗ trợ xây dựng

Tại hội thảo, ông Randolph Augustin, Giám đốc Chương trình Y tế của USAID Việt Nam cho biết “USAID tự hào hỗ trợ Việt Nam tăng cường các năng lực y tế công cộng để phòng ngừa, phát hiện và ứng phó hiệu quả đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ gây ra đại dịch cũng như các sự kiện y tế công cộng khác ở các cấp khác nhau thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe. Chúng tôi hy vọng rằng các hoạt động do USAID hỗ trợ, ví dụ như mở rộng hoạt động của Hệ thống Thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến Việt Nam và hệ thống chuyển mẫu bệnh phẩm do dự án giúp xây dựng, sẽ được duy trì và nhân rộng sau khi dự án kết thúc”.

Các đại biểu tham gia Hội thảo

PGS. TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chân thành cảm ơn Tổ chức USAID vì đã hỗ trợ kinh phí cho dự án, tới các cơ quan Bộ, Ngành đã hỗ trợ trong quá trình phê duyệt và triển khai dự án, tới dự án IDDS và Tổ chức PATH vì những hỗ trợ kỹ thuật quan trọng trong suốt quá trình triển khai dự án. Ông cũng ghi nhận vai trò quan trọng của Cục thú y, các Viện VSDT/Pasteur, Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương, các Sở Y tế, Trung tâm KSBT, bệnh viện, chi cục thú y vùng, chi cục chăn nuôi-thú y-thủy sản các tỉnhđã phối hợp chặt chẽ và tích cực triển khai dự án.

TS. Lan Phương - Phòng KH-HTQT

 


Các bài viết liên quan