Tiêm chủng phòng bệnh sởi - Đừng chần chừ

Sởi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan. Hiện nay, sởi vẫn là một nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu, mặc dù có sẵn vắc xin an toàn và hiệu quả để tiêm chủng phòng bệnh.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, khô loét giác mạc mắt… thậm chí có thể dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang mắc các bệnh cấp tính và mãn tính khác.

Theo Kế hoạch hành động toàn cầu về vắc xin, mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là loại trừ sởi và rubella ở năm khu vực vào năm 2020. Hiện nay trên toàn cầu có 83 quốc gia đạt mục tiêu loại trừ sởi, trong khi đó ở  khu vực Tây Thái Bình Dương , đến tháng 9 năm 2018 có 9 quốc gia đã đạt mục tiêu loại trừ sởi là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Cambodia, Hồng Kông, Singapore, New Zealand, Macao, Brunei Darussalam. 

Tuy nhiên trong năm 2019 tình hình dịch bệnh sởi có xu hướng tăng cao tại nhiều nước trên thế giới. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong 7 tháng đầu năm 2019, 172 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi với ít nhất 364.808 trường hợp mắc, cao gấp hơn 2,8 lần so với cùng  kỳ năm ngoái. Trong đó có nhiều nước có số trường hợp mắc cao như: Công hòa dân chủ Congo, Madagascar , Yemen, Ukraine, Kazakhstan, Philippines,Nigeria, India, Pakistan, và Brazil. Thậm chí, ở các quốc gia đã tuyên bố loại trừ sởi như Hoa Kỳ trong năm 2019 cũng ghi nhận hơn 1200 ca mắc sởi. Đây là số lượng lớn nhất các trường hợp được báo cáo tại Hoa Kỳ kể từ năm 1992 và kể từ khi bệnh sởi được tuyên bố loại trừ vào năm 2000. Sự gia tăng số mắc sởi đã thành xu hướng rõ ràng trên phạm vi toàn cầu với các ổ dịch sởi tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc xin phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu. 

Tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận 5.014 ca mắc sởi tại 63 tỉnh/TP, tăng mạnh so với cùng kỳ 2018 (409 ca),  Việt Nam là quốc gia có số mắc cao thứ ba trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến trên 87% các trường hợp có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch. 

Để đáp ứng phòng chống dịch bệnh sởi, |Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi trong năm 2018-2019. Đến tháng 7 năm 2019 đã có 379 huyện của 54 tỉnh thành triển khai chiến dịch và đã có hơn 3 triệu trẻ được tiêm bổ sung một mũi vắc xin sởi-rubella.

Điều  đáng lưu ý là bệnh sởi có tốc độ lây truyền rất cao, một người mắc có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, đông đúc thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Vì bệnh sởi lây từ cuối thời kỳ ủ bệnh nên khi 1 bệnh nhân sởi có biểu hiện rõ ràng thì họ đã có thể lây nhiễm cho nhưng người tiếp xúc với họ trước đó.  Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các hạt dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. 

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: 

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Tiêm đủ mũi vắc xin là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi.
 
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. 

3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.   

4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, sởi-rubella, sởi-quai bị-rubella) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.  

Tiêm vắc xin sởi là cách tốt nhất phòng chống bệnh sởi! Văc xin sởi rất an toàn.  Đừng để con bạn mắc sởi – hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng và tiêm nhắc vắc xin sởi – rubella vào lúc 18 tháng tuổi.                           

Dự án TCMR 


Các bài viết liên quan