Tác dụng bảo vệ của vắc xin bạch hầu giảm dần

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền ở mọi lứa tuổi. Người lớn, trẻ lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh.

Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, ghi nhận xu hướng tăng nhẹ số ca mắc bạch hầu và một vài ổ dịch bạch hầu quy mô nhỏ tại một số địa phương, như: Đắk Nông, Gia Lai và Quảng Ngãi. Trên thực tế, hơn 70% các trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong những năm gần đây xuất hiện ở trẻ lớn và người lớn.

Lý giải về nguyên nhân xuất hiện các ổ dịch mới tại Tây nguyên (mới đây nhất là tại Gia Lai) và chưa thể khống chế ca mắc mới dù đã qua 6 tháng kể từ khi xuất hiện ổ dịch tại Tây nguyên, PGS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết: “Những trường hợp không tiêm vắc xin hoặc tiêm chủng chưa đủ số mũi phòng bệnh cơ bản sẽ không có hoặc không có đủ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, trở thành đối tượng yếu thế nhất trong cộng đồng khi có dịch xảy ra”.

Theo PGS Hồng, trên thực tế, chỉ 85 - 90% những người đã tiêm đủ số mũi vắc xin có thể sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bạch hầu. Tùy theo đặc tính của từng cơ thể, 10 - 15% còn lại vẫn không có hoặc không tạo đủ miễn dịch bảo vệ. Mặt khác, miễn dịch do vắc xin bạch hầu tạo ra tồn tại trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Ở những nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, có thể gặp trường hợp miễn dịch giảm xuống dưới ngưỡng bảo vệ.

“Chính vì vậy, qua thời gian, việc tích lũy những đối tượng chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Việc thực hiện các hoạt động tiêm chủng bổ sung cho nhóm trẻ lớn là cần thiết để củng cố miễn dịch, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh quay trở lại”, PGS Dương Thị Hồng đánh giá.

Nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương khác

Trả lời Thanh Niên về đánh giá nguy cơ xuất hiện bạch hầu, PGS Hồng cho hay: “Không chỉ Tây nguyên mà tại các địa phương có nhiều đối tượng cảm nhiễm với bạch hầu đều có nguy cơ xuất hiện bệnh”.

PGS Hồng lưu ý: “Đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng còn nhiều khó khăn do giao thông đi lại, tập quán sinh hoạt, bất đồng về ngôn ngữ… còn nhiều bà con chưa hiểu được lợi ích và sự cần thiết phải đưa con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho con em”.

PGS Hồng cũng chia sẻ, mặc dù để có thể đưa vắc xin đến được với các điểm tiêm chủng ngoài trạm rất xa xôi, cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng không phải bà con nào cũng sẵn sàng cho con họ tiêm chủng. Vì vậy, công tác vận động, truyền thông là rất quan trọng để người dân hiểu và đưa con đi tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch. Ngoài ra, cũng cần có thời gian để vắc xin và các biện pháp chống dịch phát huy hiệu quả. 

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan