Lần thứ 2 một tập thể nữ các nhà khoa học thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đạt Giải thưởng Kovalevskaia

Ngày 26/02/2020, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ký quyết định trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. 

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 được trao cho 01 tập thể nữ là các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và 01 cá nhân là PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. 

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia (1850-1891). Giải thưởng này bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1985, với đối tượng tham gia là các nhà khoa học nữ Việt Nam về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tính đến năm 2019, đã có 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ được trao tặng giải thưởng này. 

Đây là lần thứ 2 có 01 tập thể nữ thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đạt Giải thưởng Kovalevskaia. 

Phòng thí nghiệm Cúm - Tập thể đạt Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 tiền thân là Phòng thí nghiệm Các virus Hô hấp, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG - WHO) công nhận là Trung tâm Cúm Quốc gia vào tháng 3/2000. Với chức năng, nhiệm vụ giám sát, phát hiện, nghiên cứu các tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, PTN là đơn vị đầu tiên thu thập, phân lập và xác định căn nguyên gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại Việt Nam tháng 3/2003 là tác nhân virus lạ. Hiện tại, Phòng thí nghiệm Cúm là thành viên của Hệ thống Giám sát cúm toàn cầu (GISRS), thường xuyên cập nhật số liệu virus học cúm hàng tháng vào mạng lưới Flunet của TCYTTG và chia sẻ các chủng cúm mùa đại diện của Việt Nam hàng năm (50 chủng/năm) tới các trung tâm nghiên cứu  Cúm chuẩn thức để lựa chọn thành phần vaccine cúm hàng năm. 

Định hướng nghiên cứu và đào tạo chính của Phòng thí nghiệm Cúm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: các nghiên cứu của PTN Cúm hiện tại và trong tương lai đều hướng đến mục tiêu chung giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. 
Trong quá trình nghiên cứu, Phòng Thí nghiệm Cúm tham gia công tác khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm (SARS) năm 2003, phát triển quy trình thực hành An toàn sinh học tại Việt Nam; xây dựng PTN trở thành Trung tâm chuẩn thức Quốc gia, đầu ngành về nghiên cứu virus cúm, thành viên trong mạng lưới cúm toàn cầu (GISRS), đóng góp vào chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003-2014); nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống cúm và kiểm soát sự kháng thuốc của các virus cúm; mở rộng, phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện đánh giá vai trò của virus cúm trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp do căn nguyên virus và miễn dịch cộng đồng với virus cúm.

Đặc biệt các kết quả nghiên cứu của tập thể Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã ghi nhận ở 207 bài báo với 143 bài báo quốc tế với chỉ số ảnh hưởng và trích dẫn cao như Lancet (IF: 47,83), PNAS ( IF: 9,9), PLOS pathogens ( IF: 9,65), Theranostics (IF: 8,854)…, trong đó các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm là tác giả đứng tên đầu của 17 bài báo quốc tế: The New England Journal of Medicine (IF 53,48), bài Nature (IF 34,48), Emerging Infectious Diseases (IF 7,32), bài The Journal of Infectious Diseases (IF 6,273)….Bên cạch đó, công tác đào tạo và nghiên cứu cũng được ghi nhận với nhiều Nghiên cứu sinh và Thạc sĩ đã tốt nghiệp, 6 đề tài Khoa học cấp nhà nước, 2 đề tài Nafosted…và sách chuyên khảo, sách quốc tế (Viruses Responsible for Emerging Diseases in South-East Asia Université Paris Diderot – Paris 7; 2011)…

Trước khi đạt Giải thưởng Kovalevskaia, các nhà khoa học nữ thuộc Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương còn đạt được một số giải thưởng khoa học uy tín như: 

- Giải thưởng Nữ khoa học trẻ Châu Á năm 2009 cho PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai. Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh các nhà nữ khoa học ở châu Á có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của Khoa học trong thế kỷ XXI. Giải thưởng do tổ chức TWAS-TWOWS-SCOPUS (Third World Organization for Women in Sciences) xét chọn và trao giải. Lễ trao giải 8-10/11/2009 tại Malaysia. 

- Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 cho PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng. Đây là giải thưởng của Bộ Khoa Khoa học và Công Nghệ nhằm tôn vinh những nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng vinh dự được là 1 trong 3 nhà khoa học xuất sắc được xét tặng giải thưởng và cũng vinh dự đây là năm đầu tiên, Hội đồng Giải thưởng đề xuất trao tặng cho nhà khoa học nữ và cho các nhà khoa học trong các lĩnh vực Y sinh Dược học. Công trình xuất sắc được xét tặng “Highly Pathogenic Avian Infuenza A(H5N1) Viruses at the Animal– Human Interface in Vietnam, 2003-2010” - “Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 – tương tác giữa người và động vật, 2003-2010”, xuất bản trên tạp chí The Journal of Infectious Diseases, một trong số các tạp chí uy tín trên thế giới về nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm với chỉ số ảnh hưởng (IF) là 6,273. 

                                                                                                                           Phạm Tiến - Phòng TCCB

 


Các bài viết liên quan