ECDC và WHO kêu gọi cải thiện xét nghiệm HIV ở Châu Âu

Số người sống chung với HIV chưa được chẩn đoán đang gia tăng ở Khu vực Châu Âu. Theo dữ liệu được công bố hiện nay của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu (ECDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu, hơn 136.000 người mới được chẩn đoán vào năm 2019 - khoảng 20% trong số này được chẩn đoán ở khu vực kinh tế Châu Âu EU/EEA và 80% ở phía đông của Khu vực Châu Âu. Cứ mỗi một trong hai chẩn đoán HIV (53%) được phát hiện ở giai đoạn muộn của quá trình lây nhiễm, khi hệ thống miễn dịch đã bắt đầu suy giảm. Đây là một dấu hiệu cho thấy các chiến lược xét nghiệm để chẩn đoán sớm HIV trong khu vực này không hiệu quả.

Số người được chẩn đoán mắc hội chứng AIDS, giai đoạn cuối của nhiễm HIV không được điều trị, đã giảm hơn một nửa trong thập kỷ qua và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) nhằm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 có thể đạt được. Tuy nhiên, lấy khu vực Kinh tế Châu Âu EU/EEA làm ví dụ, 74% trong số 2772 trường hợp được chẩn đoán AIDS ngay sau chẩn đoán nhiễm HIV ban đầu (trong vòng ba tháng) năm 2019. Điều này cho thấy chẩn đoán nhiễm HIV muộn đang có vấn đề. Chẩn đoán muộn góp phần vào việc tiếp tục lây lan HIV vì thường người nhiễm không biết mình bị nhiễm HIV trong nhiều năm và không được điều trị.

Mặc dù xu hướng chung trên toàn khu vực đã ổn định trong những năm gần đây, số người mới được chẩn đoán nhiễm HIV đã tăng 19% kể từ năm 2010. Ngược lại, tỷ lệ các trường hợp chẩn đoán mới ở các nước EU/EEA đã giảm 9% trong cùng kỳ.

Số ca chẩn đoán HIV mới được báo cáo và ước tính số ca nhiễm HIV mới trong toàn khu vực Châu Âu của WHO cho thấy số người nhiễm HIV trong thập kỷ qua nhiều hơn số người được chẩn đoán, chỉ ra rằng số người nhiễm HIV chưa được chẩn đoán ngày càng tăng trong Khu vực. Khu vực EU/EEA lại có xu hướng ngược lại: số người sống với HIV chưa được chẩn đoán đã giảm xuống.

Giám đốc ECDC, bác sĩ Andrea Ammon nêu bật:

“Mặc dù tâm điểm hiện nay là COVID-19, chúng ta không được bỏ qua các vấn đề sức khỏe cộng đồng khác như HIV. Việc chẩn đoán sớm HIV là một ưu tiên cấp thiết. Chúng ta không thể đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững nếu sau khi nhiễm vi rút, trung bình ba năm sau người bệnh mới được phát hiện họ dương tính với HIV. Trong ba năm này mà không được điều trị, họ có thể vô tình lây truyền HIV cho người khác. Ví dụ, nếu chúng ta muốn giảm tỷ lệ những người được chẩn đoán muộn thì cần phải đa dạng hóa các chiến lược xét nghiệm HIV như đã nêu trong hướng dẫn xét nghiệm của ECDC”.

Bác sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết:

“Tôi nhớ trước đây chẩn đoán nhiễm HIV được coi là một bản án tử hình. Giờ đây, nếu được điều trị thích hợp, những người nhiễm HIV có thể sống mà không sợ bệnh AIDS. Những dữ liệu này có từ năm 2019, và thách thức đặt ra vào năm 2020 phải là những ảnh hưởng nào mà đại dịch sẽ có gì đến việc xét nghiệm vào cuối năm 2021. Hiện tại, thông điệp của chúng tôi là bảo vệ sự tiến bộ của thập kỷ qua bằng cách tiếp tục ưu tiên xét nghiệm phát hiện HIV và điều trị cho những người cần. Chúng ta không thể để cho đại dịch lấy đi một tương lai không có bệnh AIDS đang nằm trong tầm tay của chúng ta ”.

Chẩn đoán sớm: tuổi thọ cao hơn và ít lây truyền hơn:

Số liệu giám sát HIV/AIDS năm 2019 cho thấy tỷ lệ những người được chẩn đoán muộn tăng theo độ tuổi. Trên toàn Khu vực, 67% (ở EU/EEA là 65%) số người từ 50 tuổi trở lên được chẩn đoán nhiễm HIV muộn. Vào năm 2019, 1/5 số trường hợp chẩn đoán HIV mới là ở người trên 50 tuổi.

Lý do giải thích cho điều này vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Có thể bản thân người lớn tuổi hoặc nhân viên y tế đang chăm sóc họ đánh giá thấp nguy cơ lây nhiễm. Người lớn tuổi có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này và không mấy thoải mái khi yêu cầu xét nghiệm.

WHO/Châu Âu và ECDC nhấn mạnh rằng để giảm số ca nhiễm HIV trong tương lai, Châu Âu cần tập trung vào ba lĩnh vực chính:

  1. Ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, như nâng cao nhận thức, khuyến khích tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, cung cấp các chương trình trao đổi bơm kim tiêm và điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện, và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP);
  2. Cung cấp các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV hiệu quả, bao gồm các dịch vụ chẩn đoán nhanh, xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm HIV; và
  3. Đảm bảo tiếp cận nhanh chóng với điều trị và chăm sóc có chất lượng cho những người được chẩn đoán nhiễm HIV.

Chẩn đoán sớm rất quan trọng vì nó giúp người bệnh có thể bắt đầu điều trị HIV sớm hơn, do đó tăng cơ hội cho họ có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và ngăn ngừa sự lây lan bệnh dịch.

Nguồn: European Centre for Disease Prevention and Control (ECDC) 26 Nov 2020

Link: https://www.ecdc.europa.eu/en/news-events/ecdc-and-who-call-improved-hiv-testing-europe

 

ThS. Thanh Huyền - Khoa HIV/AIDS

 


Các bài viết liên quan