Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm chủng đầy đủ

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ phòng chống được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

Để hiểu rõ về lợi ích của tiêm chủng, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với ThS.BS. Nguyễn Trọng Di - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.

PV:  Xin bác sĩ cho biết về lợi ích của tiêm chủng.

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ phòng chống được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, khi bị mắc bệnh thì ngoài việc tốn nhiều chi phí để điều trị, trẻ còn gặp phải những biến chứng nặng, thậm chí là trẻ bị tử vong.

Cụ thể, trong những năm (2007 và 2014) và gần đây nhất là cuối năm 2018 và đầu năm 2019, cả nước bùng phát dịch sởi với hàng trăm ngàn trẻ mắc bệnh, trong đó có rất nhiều trường hợp đã tử vong. Riêng ở Nghệ An ghi nhận vài ngàn trường hợp mắc sởi, các trẻ mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm phòng hoặc có tiêm phòng nhưng không tiêm đủ liều, đúng lịch.

Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ các đối tượng người lớn như vắc-xin phòng cúm mùa, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư cổ tử cung... Tại Việt Nam, công tác tiêm chủng đã đem lại những kết quả hết sức to lớn. Nhờ có chương trình TCMR, hàng năm có hàng triệu trẻ em được bảo vệ, hạn chế số trẻ mắc bệnh hoặc khi mắc bệnh hiếm để lại các di chứng hay tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

PV:  Cụ thể hiện nay, chương trình TCMR triển khai tiêm những loại vắc-xin gì và lịch tiêm như thế nào?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Hiện nay, có rất nhiều loại vắc-xin được triển khai trong chương trình TCMR, đây là hình thức triển khai tiêm chủng ở phường xã, được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí. Trẻ nhỏ sau khi được sinh ra sẽ được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu; trong vòng 1 tháng, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng bệnh lao; đến 2-3-4 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin 5 trong 1 và được uống vắc-xin bại liệt; Tháng thứ 5, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng bại liệt nhắc lại; đến tháng thứ 9 thì trẻ được tiêm phòng bệnh sởi và tháng thứ 12 thì trẻ được tiêm phòng viêm não Nhật Bản; đến 18 tháng tuổi thì trẻ sẽ được tiêm nhắc lại vắc-xin sởi - Rubella và vắc-xin 5 trong 1.

PV:  Trong thời gian qua, CDC Nghệ An đã triển khai những giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng cao của người dân?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng cao của người dân tỉnh Nghệ An, ngoài việc cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình TCMR cho các địa phương, CDC Nghệ An đã triển khai thêm nhiều giải pháp, trong đó có việc mở một phòng tiêm SAFPO thực hiện tiêm dịch vụ cho người dân; đảm nhiệm chuyên môn ở phòng tiêm này là đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong tiêm chủng; Các vắc-xin sử dụng tại phòng tiêm có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới và bảo quản bằng hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng vắc-xin theo đúng quy định.

Khi đến phòng tiêm, người dân được khám, tư vấn tiêm chủng phù hợp với tình trạng sức khỏe, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Quá trình thực hiện tiêm chủng được triển khai theo quy trình của Bộ Y tế; người dân được theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ. Mỗi tháng, phòng tiêm SAFPO phục vụ khoảng 6.000 mũi tiêm giúp người dân chủ động phòng tránh mắc các bệnh truyền nhiễm phòng được bằng vắc-xin.

PV: Xin bác sĩ cho biết về tình hình bệnh dại ở Nghệ An và biện pháp phòng chống bệnh dại?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Theo thống kê, từ tháng 1-7/2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 05 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Điều đáng nói là cả 5 trường hợp này không đi tiêm phòng dại mà tự đi bốc thuốc ở thầy lang không phép và sử dụng thuốc nam để điều trị nên dẫn đến tử vong.

Bệnh dại hiện nay chỉ phòng tránh được bằng cách duy nhất là tiêm phòng huyết thanh và vắc-xin phòng dại. Không có một phương pháp nào có thể điều trị cho người lên cơn dại, khi người bệnh lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%.

Vì vậy, khi bị các loại súc vật cắn (chó, mèo...), người dân cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng.

PV: Khi bố mẹ quên lịch đưa trẻ đi tiêm chủng, nên xử lý thế nào?

ThS.BS. Nguyễn Trọng Di: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quên lịch tiêm chủng cho trẻ như: bố mẹ bận công việc nên quên lịch tiêm chủng của con; trẻ bị bệnh, sốt trong thời gian có lịch hẹn tiêm chủng... Trong các trường hợp lỡ lịch hẹn, khi sức khỏe của trẻ bình thường, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng sớm nhất để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm chủng phù hợp cho bé.

PV:  Xin cảm ơn bác sĩ!

Lời khuyên của bác sĩ

Các bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng cần thiết phải đưa con em mình đến trạm y tế các xã phường, thị trấn để tiêm chủng định kỳ, đúng lịch cho các cháu. Việc tiêm chủng cần được thực hiện càng sớm càng tốt theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời người dân cũng nên chủ động tiêm phòng thêm các loại vắc-xin dịch vụ như: thủy đậu, cúm mùa, phế cầu… để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khác. 

Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

 


Các bài viết liên quan