Tình hình thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại tuyến xã

Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu đánh giá công tác giáo dục truyền thông tại các trạm y tế xã, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu như sau:

Trong nhiều năm qua, nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khoẻ đu­ợc coi trọng, các trạm y tế xã đã có nhiều hình thức thực hiện truyền thông và  mang lại tác dụng  rất lớn về trang bị những kiến thức phòng chữa bệnh, giữ gìn sức khoẻ tại cộng đồng. Tuy nhiên chất lượng của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ chư­a cao vì hình thức, phư­ơng pháp truyền thông ch­ưa  bài bản, nội dung truyền thông còn nghèo, cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản ch­ưa đ­ược cung cấp đầy đủ thông tin, chư­a được bồi dưỡng nhiều về ph­ương pháp tổ chức truyền thông.

Mục tiêu của nghiên cứu là: Đánh giá thực trạng việc thực hiện và hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ tại tuyến y tế xã, phường. Trên cơ sở đó xây dựng cẩm nang truyền thông giáo dục sức khoẻ cho nhân viên y tế thôn bản.

Địa bàn nghiên cứu: 4 tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Đăk Lắc, Trà Vinh mỗi tỉnh chọn 2 huyện và mỗi huyện chọn 2 xã.

 Đối tượng nghiên cứu: Lãnh đạo và chuyên viên của 4 Sở Y tế và Trung tâm TTGDSK tỉnh, lãnh đạo và nhân viên của 8 Trung tâm y tế huyện., trạm trưởng và cán bộ y tế thôn, bản, ấp.

Phương pháp nghiên cứu là tổng hợp các báo cáo của các địa phương, đi thực địa tổ chức 4 cuộc thảo luận nhóm tại Sở Y tế và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ 4 tỉnh, 8 cuộc thảo luận nhóm tại 8 huyện, 16 cuộc thảo luận nhóm tại 16 xã. Tổ chức phỏng vấn 128 trạm trưởng y tế xã,(mỗi tỉnh 32), phỏng vấn 240 người dân cộng đồng ở 16 xã, phỏng vấn 16 nhân viên y tế thôn ấp ở 16 xã.

Nghiên cứu được tiến hành trong 6 tháng, từ tháng 10 năm 2009 đến tháng 3 năm 2010.

Đặc điểm chung của 4 tỉnh này là những tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng còn thấp, một số thôn bản ở Hà Giang, Đak Lắc chưa có điện, đường đi đến nhiều thôn bản xa và đặc biệt khó khăn, nhất là Hà Giang. Tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh này đều cao hơn rất nhiều tỷ lệ chung của cả nước. Trong khi tỷ lệ chung là 14,8% thì tỷ lệ này ở Hà Giang là 40,4%, Bắc Giang là 18%, Đak Lắc là 23,1%, Trà Vinh là 20,7%.

Ngân sách nhà nước dành cho y tế của các tỉnh tính theo đầu người: Tỉnh Hà Giang 149.500đồng, tỉnh Bắc Giang 135.000đồng, tỉnh Đak Lac 166.000đồng,tỉnh Trà Vinh   125.600đồng.

Là những tỉnh khó khăn nhưng bình quân đầu người không được ưu tiên so với chung của cả nước (132.800đồng/người)

Về dân số, ngoài tỉnh Hà Giang dân số ít (660.000người) còn các tỉnh khác có dân số vào loại trung bình của của nước ( Trà Vinh trên 1.000.000, Bắc Giang trên 1.500.000, Đắc Lăk trên 1.700.000).

Tuy nhiên đây là các tỉnh có rất nhiều dân tộc khác nhau. Đăk Lắc có 44 dân tộc, trong đó chủ yếu là người Êđê và Mnông. Tỉnh Bắc Giang có 26 dân tộc, trong đó người kinh chiếm 88,1%, người nùng chiếm 4,5%, người tày chiếm 2.6%, Tỉnh Trà Vinh; có 29 dân tộc, trong đó người kinh chiếm 69%, người Khơ me chiếm 29%. Hà Giang có tỷ lệ người dân tộc trên 90%.

 Tỷ lệ người dân biết đọc biết viết chữ phổ thông, biết giao tiếp  bằng tiếng phổ thông thấp, 6% người Mông thuộc tỉnh Hà Giang không giao tiếp được khi phỏng vấn, 9% người Ê Đê thuộc tỉnh Đăk Lăk không giao tiếp được khi phỏng vấn,4,5% người Khơ me thuộc tỉnh Trà vinh không giao tiếp được khi phỏng vấn.

Những tình hình nêu trên đây cho thấy công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Đak Lắc, Trà Vinh có nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là tỉnh Hà Giang.

Hệ thống tổ chức thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ tại tuyến xã đã từng bước được xây dựng, củng cố. Ở Sở Y tế có Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, có biên chế, trình độ chung đáp ứng được nhiệm vụ. Trang thiết bị, phương tiện khá đầy đủ, đảm bảo cho Trung tâm hoạt động tốt. Ở tuyến huyện, theo qui chế có Phòng truyền thông, nhưng chỉ là những cán bộ kiêm nhiệm, trang thiết bị, phương tiện gần như không có gì. Ở tuyến xã, các trạm y tế xã đều có phân công cán bộ phụ trách kiêm nhiệm công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, đồng thời phân công từng cán bộ phụ trách chương trình y tế Quốc gia nào thì phụ trách truyền thông ở lĩnh vực đó.

Đánh giá chung, công tác tổ chức, nhân sự phụ trách công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ ở tuyến tỉnh, tuyến xã tương đối tốt, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ. Nhưng ở tuyến huyện hình như đây là một hẫng hụt kể cả về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện.

Công tác  truyền thông giáo dục sức khoẻ của trạm y tế xã ở các tỉnh nghiên cứu đã thực sự được coi trọng. Công tác chỉ đạo của các cấp tương đối chặt chẽ, các trạm y tế coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhân lực bố trí đủ và tương đối hợp lý. Thời gian dành cho công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ ở tất cả các xã là thích hợp, cân đối với những nhiệm vụ khác Tổng hợp chung thì thời gian cán bộ trạm y tế xã dành cho công tác truyền thông là 30%, của nhân viên y tế thôn bản là 50%.

Các trạm y tế xã có hình thức truyền thông

+ Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ thông qua hệ thống truyền thanh của Uỷ ban nhân dân xã là một hình thức được sử dụng phổ biến nhất và thuận lợi nhất. Ở tất cả các xã đều có hệ thông truyền thanh riêng, được trang bị đủ các phương tiện, bố trí đủ các cán bộ phụ trách. Trung bình mỗi đài phát thanh của xã có 1 cán bộ chuyên trách và 1.39 cán bộ bán chuyên trách. Tuy nhiên có khoảng 5% số xã không có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách. Trong 4 tỉnh điều tra thì Đắc Lắc vẫn còn khoảng 50% số xã không có cán bộ bán chuyên trách

Trang thiết bị cho hệ thống này  trung bình 3,01 loại thiết bị cho 1 hệ thống phát thanh của xã/phường. các thiết bị chủ yếu là âm ly, loa, mikro (có dây và không dây), đài cát sét, một số xã có đầu đĩa, tăng âm… Trong đó, Đắc Lắc vẫn là tỉnh có ít trang thiết bị truyền thông trên đài phát thanh xã nhất.

- Các trạm y tế xã đều xây dựng kế hoạch truyền thông qua hệ thống truyền thanh của xã, ký kết hợp đồng với bộ phận phát thanh của xã, hợp đồng  ghi rõ nội dung, thời  gian phát thanh, kinh phí phải trả.

-Thời lượng phát thanh hàng tuần của các xã trong 4 tỉnh còn ở mức trung bình là 414 phút/tuần tương đương 60 phút/ngày

Thời lượng phát thanh các chương trình TTGDSK ít nhất trong tuần (266 phút),. Tỷ lệ trung bình thời gian phát thanh các chương trình TTGDSK hàng tuần so với thời lượng phát thanh của đài phát thanh xã là 19%.

Thời điểm phát thanh của các đài phát thanh xã thường vào buổi sáng (lúc 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng) và buổi chiều (lúc 5 giờ chiều).

Tỷ lệ người dân thường xuyên nghe các chương trình TTGDSK trên hệ thống loa phát thanh của xã là khá cao (77,04%). Một tỷ lệ nhỏ (2,04%) người dân là không nghe. Điều này cũng thể hiện nhu cầu về thông tin TTGDSK của người dân là rất lớn và cần có sự đầu tư nhiều hơn về con người, trang thiết bị, nội dung cho hoạt động TTGDSK trên hệ thống loa phát thanh của xã.

Hiệu quả của các chương trình TTGDSK trên hệ thống loa phát thanh xã của người dân được thể hiện bằng mức độ thực hiện theo những thông tin đã được nghe trên đài phát thanh xã. Hầu hết người dân thực hiện tốt theo những gì đã nghe được (81,96%) và rất ít người không thực hiện theo (0,52%).

+Góc truyền thông

Góc truyền thông là một hình thức được qui định trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ của một trạm y tế xã.  Do điều kiện cơ sở phòng làm việc của các trạm y tế xã còn thiếu nên đại đa số các trạm không có một phòng dành riêng để tổ chức một góc truyền thông có qui củ. Tuy nhiên các trạm y tế cũng đã cố gắng vận dụng để tạo ra hoạt động của góc truyền thông. Không có một phòng riêng biệt, nhiều trạm y tế đã kết hợp tổ chức tại một phần ở một phòng nào đó để trưng bày các tài liệu truyền thông, tờ rơi, tranh lật, tranh gấp… có trạm có âm li, catset, loa và hầu hết các trạm kết hợp sử dụng không gian của trạm y tế như tường các phòng, hành lang để trưng bày tranh ảnh, ap phích…tuyên truyền giáo dục về sức khoẻ. Các tranh ảnh, áp phích trình bày như vậy tạo điều kiện rất thuận lợi để mọi người, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tiếp cận với tài liệu truyền thông.

Ở các trạm y tế xã trung bình mỗi góc truyền thông có khoảng 3,3 loại tài liệu truyền thông. Trong 4 tỉnh thì Hà Giang vẫn là tỉnh có số loại tài liệu truyền thông tại góc truyền thông của TYT ít nhất (2,6 loại), cao nhất là tỉnh Đắc Lắc (4,7 loại). khoảng 1/3 số góc truyền thông  có dưới 3 loại tài liệu và  có 1,28% góc truyền thông có đến 7 loại tài liệu.

Các tài liệu được sử dụng tại góc truyền thông thường là các tài liệu về các chương trình mục tiêu quốc gia (chủ yếu là về phòng chống suy dinh dưỡng, KHHGĐ, ATVSTP, HIV/AIDS, Lao, Phong, tâm thần…).

Hơn 1/3 số tài liệu này do Bộ Y tế, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ của Bộ Y tế, của  các viện và cơ quan trực thuộc trung ương biên soạn. Quá nửa số tài liệu này là do các đơn vị tuyến tỉnh và huyện biên soạn. Còn một tỷ lệ nhỏ (10%) là do các dự án về y tế thực hiện biên soạn.

+Tờ rơi là loại tài liệu được sử dụng rất phổ biến trong các hoạt động TTGDSK hiện nay, do tính tiện dụng, hấp dẫn và gọn nhẹ. Trung bình mỗi trạm y tế hàng năm có khoảng 4 loại tờ rơi. Tờ rơi chủ yếu do Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương, các Viện, các chương trình y tế Quốc gia- Bộ Y tế , Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ thuộc Sở Y tế các tỉnh cung cấp. Sự chênh lệch về số loại tờ rơi giữa các tỉnh là không nhiều, chỉ có một tỷ lệ nhỏ trạm y tế có  2 loại tờ rơi để phục vụ TTGDSK, trung bình một năm một trạm y tế có khoảng 2.500 tờ rơi. Tờ rơi được sử dụng ở góc truyền thông của trạm y tế, được các cán bộ trạm y tế, nhân viên y tế thôn ấp phát cho các hộ gia đình. Ở Hà Giang, nhiều y tế thôn bản khi phát cho các hộ gia đình người dân tộc phải dịch nói từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc. Có như vậy họ mới hiểu được

Nội dung các tờ rơi này chủ yếu nói về phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS, KHHGĐ, làm mẹ an toàn, tiêm chủng mở rộng VSATTP, phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết. Đánh giá chung là các loại tờ g đề cập khá đều tất cả các chương trình y tế Quốc gia và hiệu quả tốt.

+Truyền thông giáo dục sức khoẻ bằng tranh ảnh cũng là một hình thức được sử dung rất phổ biến. Ở bất kỳ trạm y tế nào cũng dùng hình thức này. Các tranh ảnh do Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, các Viện thuộc khối y học dự phòng, các chương trinh y tế quốc gia cấp. Tranh ảnh rất phong phú, nội dung bao hàm đầy đủ mọi mặt, số lượng tương đối nhiều, hàng năm mỗi trạm y tế xã được cấp khoảng 200 tờ. Trạm y tế xã trưng bày các tranh ảnh này ở góc truyền thông, hành lang của trạm, các địa điểm có tính chất công cộng tại xã mà nhiều người dân có điều kiện tiếp cận. Trung bình mỗi trạm y tế có 4 loại tranh ảnh để truyền thông, trong đó các trạm y tế ở Bắc Giang có số loại tranh ảnh nhiều nhất (5 loại). Có tỷ lệ nhỏ (2,6%) trạm y tế (thuộc tỉnh Trà Vinh) có dưới 2 loại tranh ảnh truyền thông

+Tư vấn tại hộ gia đình và tư vấn tại trạm y tế là hoạt động rất cần thiết và hiệu quả cao. Tại trạm y tế, cán bộ y tế tư vấn mỗi khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân hay cho người nhà bệnh nhân. Nội dung tư vấn thường là nói về nguyên nhân mắc bệnh, dặn dò cách sử dụng thuốc, cách ăn uống, cách phòng bệnh…Mỗi lần tư vấn trung bình khoảng 3-4 phút. Nhân viên y tế thôn ấp tư vấn bằng cách  lựa chọn các gia đình có vấn đề về sức khoẻ, đến trao đổi với họ  về cách phòng ngừa, về cách bảo vệ sức khoẻ, về những vấn đề cần tránh…Mỗi lần tư vấn trung bình khoảng 10-15 phút. Đối với nhân viên y tế thôn ấp thì nhiệm vụ tư vÊn sức khoẻ là một nhiệm vụ chính hàng ngày

+ Truyền thông lồng ghép qua các buổi sinh hoạt tập thể.    Sinh hoạt tập thể là hoạt động được diễn ra thường xuyên. Việc tuyên truyền lồng ghép qua các buổi họp/ sinh hoạt tập thể sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, tập trung được nhiều người và có thể phân nhóm đối tượng truyền thông. Các cán bộ TYT đã thực hiện rất tốt các hoạt động lồng ghép trong các buổi họp/sinh hoạt tập thể do chính quyền tổ chức, các buổi họp của các tổ chức đoàn thể (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân), các buổi sinh hoạt thôn/xóm và các buổi học ngoại khóa ở trường học.

Các cán bộ y tế xã và thôn bản thực hiện nhiều hoạt động truyền thông với nhiều hình thức khác nhau. Theo ý kiến của người dân thì họ nhận được các thông tin về sức khỏe qua các nguồn thông tin chính, gồm: góc truyền thông, phát tờ rơi, tranh ảnh, pano áp phích, truyền thanh trên loa của xã, nói chuyện trực tiếp, thông qua các buổi họp và các hội thi hoặc hội thảo…

Tổng hợp số nguồn thông tin mà người dân nhận được cho thấy: rất ít người không nhận được thông tin GDSK từ bất kỳ nguồn nào (0,48%). Khoảng 1/2 số người nhận được thông tin GDSK từ dưới 4 nguồn thông tin, và một tỷ lệ nhỏ (3,37) số người nhận được thông tin từ tất cả các nguồn.

 Khi xét về mức độ phù hợp của nội dung, hình thức và thời gian truyền thông với ngôn ngữ, hình ảnh và phong tục, thời gian thì hầu hết cán bộ y tế thôn bản (khoảng 84%) cho rằng các hoạt động TTGDSK mà TYT đã thực hiện là phù hợp. Một số ít cho rằng cần phải thay đổi về thời gian, hay nội dung cũng như hình thức cho phù hợp hơn với phong tục và ngôn ngữ tại địa phương.

Theo ý kiến của đa số người dân (khoảng 86%) cho rằng chỉ có 1 hình thức TTGDSK dễ hiểu và có tác dụng nhất, đó là hình thức truyền thông lồng ghép qua các buổi họp; và 1 hình thức dễ hiểu và có tác dụng vừa là hình thức truyền thanh trên loa phát thanh của xã; và hình thức góc truyền thông là khó hiểu và có ít tác dụng nhất.

 Đánh giá của trạm y tế về sự tham gia TTGDSK của nhân viên y tế thôn/bản/ấp. Cán bộ y tế thôn/bản/ấp tham gia vào nhiều loại hình truyền thông khác nhau (trung bình 2,4 loại). Các loại hình mà cán bộ y tế thôn/bản/ấp tham gia chủ yếu là: truyền thông lồng ghép với các hoạt động cân trẻ, tiêm chủng mở rộng, các buổi họp thôn, họp hội phụ nữ, tuyên truyền trên loa phát thanh

Các nội dung mà cán bộ y tế thôn/bản/ấp tuyên truyền chủ yếu theo các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng….). Các nội dung này được các cơ quan tuyến trên biên soạn. Hầu hết các cán bộ này được tập huấn về truyền thông. Các hoạt động truyền thông do cán bộ y tế thôn/bản/ấp đạt hiệu quả khá cao, cung cấp thông tin và giúp người dân thay đổi hành vi (bỏ hành vi không tốt và thực hành các hành vi tốt).

Sự đánh giá của người dân về  các cán bộ y tế thôn bản tham gia vào nhiều hình thức TTGDSK khác nhau. Trung bình mỗi cán bộ y tế thôn bản tham gia khoảng 2,6 loại hình TTGDSK. Nhưng vẫn còn tỷ lệ nhỏ cán bộ y tế chưa thực hiện hình thức TTGDSK nào (khoảng 3,8%) và số ít cán bộ thực hiện được tới 5 loại hình TTGDSK.

Cán bộ y tế thôn bản tham gia TTGDSK về các nội dung thuộc chương trình y tế quốc gia như: phòng chống HIV/AIDS, phòng chống suy dinh dưỡng, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống lao, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Hầu hết các hoạt động TTGDSK của cán bộ y tế thôn bản được người dân đánh giá tương đối tốt, có hiệu quả và người dân thực hiện theo những thông tin đã được cán bộ y tế thôn bản cung cấp (khoảng 82%); và không có người dân nào phàn nàn hay đánh giá thấp hiệu quả các hoạt động TTGDSK của các cán bộ  y tế thôn bản.

Nội dung TTGDSK mà người dân mong muốn.

Như đã phân tích ở trên, người dân trong cộng đồng có nhu cầu rất lớn về thông tin GDSK. Thông tin về các chương trình y tế quốc gia được người dân chủ yếu nói tới khi đề cập đến mong muốn được nghe, được hiểu biết.

 Sự phối hợp liên ngành trong hoạt động TTGDSK.

Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của TYT và nhân viên y tế thôn bản/ấp nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ và kịp thời của Đảng ủy và UBND xã. Hầu hết các xã  nhận được sự chỉ đạo này. Sự chỉ đạo của UBND và Đảng ủy xã thể hiện sự quan tâm và nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động TTGDSK. Nhờ đó, nhiều hoạt động truyền thông sẽ có được sự hỗ trợ kịp thời và đạt hiệu quả cao.

 Sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể

Ngoài sự chỉ đạo và hỗ trợ từ phía Đảng ủy và UBND xã, các hoạt động TTGDSK tuyến xã còn nhận được  sự tham gia của các tổ chức đoàn thể (mặt trận tổ quốc, hội nông dân, hôi phụ nữ, đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ và hội cựu chiến binh). Đây có thể nói là yếu tố quyết định đến hiệu quả của các hoạt động TTGDSK tại cộng đồng.

 Những hạn chế của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ tại tuyến xã

- Nhân lực thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ chưa có tính chuyên nghiệp, tất cả đều là cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản.  Vì vậy thời gian dành cho công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ chưa đáp ứng nhu cầu, kinh nghiệm tổ chức thực hiện, trình độ chuyên môn , kinh phí còn nhiều hạn chế.

Kết luận

- Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ ở tuyến xã đã được các cấp chính quyền, các cấp lãnh đạo của ngành y tế quan tâm và được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của trạm y tế. Vì vậy đã có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp tương đối tốt của các ban ngành, đoàn thể địa phương và được sự hưởng ứng của nhân dân. Các trạm y tế đã thực hiện với ý thức cao vì ý thức được đây là một nhiệm vụ có vai trò quan trọng và là một tiêu chuẩn trong 10 Chuẩn Quốc gia về y tế xã.

- Công tác  truyền thông giáo dục sức khoẻ đã được thực hiện một cách có kế hoạch, chủ động, có sáng tạo, huy động được mọi cán bộ của trạm y tế, xã, tất cả các nhân viên y tế thôn bản tích cực tham gia. Có những cán bộ rất tâm huyết, thậm trí nói là đam mê với công tác này.

-  Các địa phương, ngành y tế, trạm y tế các xã đã cố gắng huy động các nguồn kinh phí, tận dụng các trang thiết bị của Uỷ ban nhân dân, của bộ phận dân số để thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ.

-  Các trạm y tế đã có nhiều hình thức thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ như tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, tổ chức góc truyền thông, phân phát tở rơi, trưng bày tranh ảnh, tư vấn tại trạm y tế và tại hộ gia đình, tổ chức nói chuyện trực tiếp trong các cuộc họp đoàn thể, thôn xóm. Các hình thức này là phong phú, có hiệu quả.

- Hạn chế của công tác giáo dục sức khoẻ là nhân lực hầu như là kiêm nhiệm, kinh phí, trang thiết bị cho công tác truyền thông còn rất thiếu, cán bộ làm công tác truyền thông chưa được đào tạo bài bản nên năng lực, kinh nghiệm còn nhiều hạn chế. Khả năng tổ chức các hoạt động truyền thông chưa có bài bản nên hiệu quả của công tác truyền thông tuy làm nhiều nhưng chất lượng chưa cao.

Kiến nghị

-  Tăng cường các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện công tác truyền thông cho cán bộ y tế xã và nhân viên y tế  thôn  bản, nâng cao năng lực thực tổ chức các hoạt động truyền thông như cách tổ chức phát thanh, cách viết bài cho chương trình truyền thanh, cách tổ chức góc truyền thông, cách tổ chức tư vấn, tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp.

-  Các đơn vị y tế tuyến trên cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho tuyến xã, thôn bản. Cung cấp thưòng xuyên, đầy đủ các tài liệu tuyên truyền về những hoạt động của ngành y tế và của các chương trình mục tiêu quốc gia. Cung cấp nhiều hơn nữa tranh ảnh, tờ rơi với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng địa phương.

- Tăng cường các trang thiết bị cho công tác truyền thông như hệ thống loa truyền thanh đến từng thôn xóm, các thiết bị như âm li, catset, băng đĩa, máy chiếu, máy ảnh…cho trạm y tế xã, kết cấu ngân sách chi thường xuyên cho công tác truyền thông

- Cần năng động, sáng tạo tổ chức các hình thức truyên thông giáo dục sức khoẻ, đối với từng địa phương có cách làm thích hợp, chú ý tới các hình thức được người dân quan tâm nhất như truyền thông qua hệ thống truyền thanh, tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp. Lưu ý chọn những hình thức phù hợpvới những địa bàn có nhiều người dân tộc, khoảng cách đến các thôn bản xa, đi lại khó khăn như tăng cường truyền thông bằng hình ảnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số

- Cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự chỉ đạo của cấp uỷ, uỷ ban nhân dân, sự tham gia nhiều hơn nữa của các tổ chức đoàn thể trong các hoạt động TTGDSK. Tăng cường vận động nhân dân hưởng ứng các chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ.

 

Tóm lược bài viết

Trong nhiều năm qua, nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khoẻ đu­ợc coi trọng, các trạm y tế xã đã có nhiều hình thức thực hiện truyền thông và  mang lại tác dụng  rất lớn về trang bị những kiến thức phòng chữa bệnh, giữ gìn sức khoẻ tại cộng đồng. Tuy nhiên chất lượng của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ chư­a cao vì hình thức, phư­ơng pháp truyền thông ch­ưa  bài bản, nội dung truyền thông còn nghèo, cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản ch­ưa đ­ược cung cấp đầy đủ thông tin, chư­a được bồi dưỡng nhiều về ph­ương pháp tổ chức truyền thông.

Mục tiêu của nghiên cứu là: Đánh giá thực trạng việc thực hiện và hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ tại tuyến y tế xã, phường. Trên cơ sở đó xây dựng cẩm nang truyền thông giáo dục sức khoẻ cho nhân viên y tế thôn bản.

Địa bàn nghiên cứu: 4 tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Đăk Lắc, Trà Vinh mỗi tỉnh chọn 2 huyện và mỗi huyện chọn 2 xã.


Các bài viết liên quan