Cẩn trọng với bệnh không lây nhiễm

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư, hen, tắc nghẽn mãn tính, rối loạn tâm thần, tim mạch… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

Gánh nặng bệnh không lây nhiễm

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm chiếm tới 66% gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng quá tải bệnh viện, gia tăng nghèo đói và áp lực lên sự phát triển kinh tế, xã hội.

Theo TS.BS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người bệnh.

Cụ thể, do các hành vi nguy cơ cao như hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể lực chiếm tỷ lệ cao; tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu, hầu hết các yếu tố nguy cơ trên đều có xu hướng gia tăng nhanh.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay: Phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm là một giải pháp đã được chứng minh giúp giảm chi phí hiệu quả trong phòng, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, tăng cơ hội điều trị bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, để phòng chống hiệu quả bệnh không lây nhiễm cần phải tiếp cận theo 3 nhóm giải pháp. Đầu tiên và quan trọng nhất là dự phòng và nâng cao sức khỏe thông qua việc không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, dinh dưỡng hợp lý và an toàn, tăng cường vận động thể lực. Bên cạnh đó, mỗi người giữ gìn môi trường sống trong sạch.

Cùng đó, mạng lưới y tế cần triển khai các giải pháp tăng cường quản lý sức khỏe cá nhân, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm để điều trị kịp thời nhằm giảm biến chứng và hạn chế tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Cuối cùng là quản lý, điều trị người bệnh nhằm giảm tử vong và tiết kiệm chi phí.

Kiểm soát bệnh không lây nhiễm

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, để thực hiện được các mục tiêu của “Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác” thì cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp về chính sách, pháp luật, phối hợp liên ngành giữa các đơn vị liên quan; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe của trạm y tế xã.

Cụ thể, trạm y tế xã phải là cơ quan tham mưu đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trường học, khu công nghiệp… xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe, dự phòng một số bệnh không lây nhiễm bằng vắc xin, sinh phẩm y tế đặc hiệu.

Duy trì tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B, phòng viêm gan dẫn đến ung thư gan; trạm y tế cũng là đơn vị thực hiện chẩn đoán điều trị, sơ cấp cứu tư vấn cho người mắc một số bệnh không lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phạm vi giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của đơn vị.

Theo mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, đến năm 2025 sẽ cơ bản khống chế được tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh; hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm. Giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, giảm 30% số người tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát tăng cholesterol dưới 35%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30%…


Các bài viết liên quan