Bác sĩ vùng cao và “Con đường tiêm chủng”

24 năm gắn bó với các công tác y tế miền núi Hà Giang, bác sĩ (BS) miền xuôi Nguyễn Trần Tuấn đã có được “bản đồ tiêm chủng” trong trái tim mình. 

“Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, là bác sĩ đa khoa tôi đã chủ động xin lên Hà Giang công tác. Công việc mình làm cũng như những đồng nghiệp khác thôi. Trước đây có khó khăn thì cũng là điều kiện chung chứ không phải riêng ai. Mình lựa chọn nghề nên mình cố gắng cùng các đồng nghiệp”, BS. Nguyễn Trần Tuấn, hiện là Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Giang chân thành.   

Những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ tại Hà Giang, BS. Tuấn trực tiếp làm công tác phòng chống bệnh phong. Để đến với bà con, những chuyến công tác về xã, bản cũng là những chuyến đi bộ thường kỳ của BS trẻ khi đó. “Những chuyến công tác như vậy thường là đi bộ khoảng 20km ngày, mỗi chuyến đi khoảng 10 ngày, nhưng cũng có chuyến dài nhất là 26 ngày”,  BS. Tuấn nhớ lại. Ông kể thêm: “Để đảm bảo được công việc, cùng với chuẩn bị đầy đủ thuốc phòng chống lao, thuốc da liễu cấp cho bà con khi mình xuống bản khám bệnh, còn phải mang theo nước uống và ít bánh quy phòng đói”. “Rồi có chuyến đi công tác còn mang theo con gà của mình tự nuôi. Tới nhà dân thì làm gà, nấu nhờ, cải thiện bữa ăn lấy sức leo núi”, BS cười thoải mái khi nhớ về những chặng đường núi thân thuộc.

BS. Tuấn tâm sự, làm công tác tiêm chủng 20 năm về trước nếu miền xuôi khó một phần thì ở đây không biết khó bao nhiêu mà kể, vì đất rộng, người thưa bà con sống rải rác trong núi sâu và những nơi rất cao cùng tập quán đẻ tại nhà nên tiếp cận các bà mẹ mang thai và để được họ chấp nhận tiêm đòi hỏi rất nhiều công sức của các bộ làm công tác tiêm chủng cũng như đội ngũ các y tế thôn bản. Nhưng chúng tôi không nản lòng mà vẫn cùng nhau cố gắng. 

Tại Hà Giang, Tiêm chủng mở rộng đã đóng góp rất rõ ràng trong bảo vệ sức khỏe người dân. Với uốn ván sơ sinh, mỗi năm giờ đây ghi nhận khoảng 2 - 4 ca, trong khi giai đoạn trước triển khai tiêm chủng vắc xin này, số mắc lên đến 15 - 20 trường hợp mỗi năm. Đây là bệnh mà tỷ lệ tử vong rất cao.

Con đường trong tim

“Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 195 xã, phường, thị trấn và tôi đã đi không thiếu xã nào. Nơi xa nhất cách trung tâm thị xã Hà Giang (nay là TP.Hà Giang 170-200 km). Trước đây, đến những xã này thường phải đi bộ từ trung tâm huyện vào”.

Câu chuyện từ hơn 20 năm trước vẫn luôn là kỷ niệm đẹp với bác sĩ Nguyễn Trần Tuấn - người đã gắn bó với Hà Giang từ 1995, ngay sau khi tốt nghiệp BS Đa khoa trường Đại học Y Thái Bình. 

“Gắn bó với tiêm chủng, sơ đồ TCMR ở Hà Giang tôi đã thuộc kỹ rồi, không bản đồ tôi cũng tự đánh dấu được con đường tiêm chủng của Hà Giang”, Giám đốc CDC của tỉnh miền núi chân thành nói.

Lên Hà Giang những ngày tháng 6 nắng gắt này, chúng tôi chứng kiến thiết bị y tế cho tiêm chủng đã đảm bảo. Đặc biệt là  sự thuận lợi hơn về điều kiện giao thông để đến những điểm tiêm chủng trên lưng núi. Nhưng dù vậy đường đi vẫn là những khúc cua tay áo gấp gáp bên sường núi sát mép vực sâu, vẫn là những ổ sạt lở lởm chởm đã nhọn và trơn trượt 

BS Tuấn trăn trở:“Làm tiêm chủng ở Hà Giang vẫn chưa thể hết khó khăn. Để phụ nữ dân tộc: Dao, Mèo… yên tâm tiêm chủng uốn ván khi mang thai và đồng ý cho con nhỏ đi tiêm chủng phòng bệnh nguy hiểm, các cán bộ y tế xã, thôn bản đều rất nỗ lực vận động, nhắc lịch tiêm. 

“Mong muốn người dân thuận lợi, chúng tôi đã thành lập hơn 400 điểm tiêm chủng ngoại trạm, tại các thôn bản trên núi. Thay vì chờ bà con đến trạm y tế xã để tiêm chủng thì cán bộ y tế lại đem tiêm chủng đến gần hơn với bà con. Vì họ làm ruộng hay mưa gió đường xấu, nếu xa qua họ có thể không đưa con đi tiêm”, BS Tuấn cho biết.

Với những đóng góp và nhiệt huyết của các cán bộ y tế vùng cao, tỷ lệ trẻ trong TCMR ở tỉnh nghèo miền núi Hà Giang luôn đạt từ trên 90%, nhiều năm không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ. 5 năm liên tục không có ca mắc bệnh bạch hầu; 10 năm qua chỉ có 5 trẻ mắc ho gà. Trong khi nhiều nơi số mắc sởi tăng cao thì tại Hà Giang, các ca bệnh chỉ ghi nhận rải rác.

BS Nguyễn Trần Tuấn (áo trắng) kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng tại Thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, H.Vị Xuyên, Hà Giang 

 

Điểm tiêm chủng ngoại trạm tại xã Thượng Sơn, H. Vị Xuyên, Hà Giang

 

Dự án TCMR

Ảnh: Liên Châu

 


Các bài viết liên quan